Lên mạng hứa làm từ thiện nhưng không làm có bị phạt không?

Chủ đề   RSS   
  • #615427 20/08/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 533 lần
    SMod

    Lên mạng hứa làm từ thiện nhưng không làm có bị phạt không?

    Nếu một cá nhân nào đó lên mạng đăng tải các bài viết hứa hẹn sẽ làm từ thiện, kêu gọi quyên góp nhưng không làm thì có bị phạt không và mức phạt như thế nào?

    Lên mạng hứa làm từ thiện nhưng không làm có bị phạt không?

    Hiện nay, pháp luật không quy định về hành vi hứa nhưng không làm sẽ bị xử phạt, tuy nhiên nếu việc một cá nhân lên mạng hứa làm từ thiện và có kêu gọi quyên góp, đã nhận tiền quyên góp mà không làm thì là hành vi vi phạm pháp luật.

    Cụ thể, theo Điều 5 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo bao gồm:

    - Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia vận động, đóng góp, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.

    - Báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện.

    - Lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

    Như vậy, nếu lên mạng hứa làm từ thiện nhưng không kêu gọi, nhận quyên góp mà không làm thì sẽ không có chế tài xử phạt, tuy nhiên nếu có phát sinh việc nhận quyên góp để làm từ thiện nhưng không làm mà dùng tiền quyên góp được để trục lợi cá nhân thì là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt.

    Lên mạng hứa làm từ thiện nhưng không làm bị phạt thế nào?

    1) Phạt hành chính

    Theo Điều 10 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý tiền, hàng cứu trợ như sau:

    - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

    + Để hư hỏng, thất thoát tiền, hàng cứu trợ, trừ trường hợp bất khả kháng do thiên tai, hỏa hoạn;

    + Sử dụng, phân phối tiền, hàng cứu trợ không đúng mục đích, không đúng đối tượng;

    + Tráo đổi hàng cứu trợ.

    - Biện pháp khắc phục hậu quả:

    + Buộc bồi hoàn lại số tiền, hàng cứu trợ bị hư hỏng, thất thoát;

    + Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;

    + Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho người sử dụng hàng cứu trợ bị ảnh hưởng sức khỏe do hành vi vi phạm.

    2) Truy cứu trách nhiệm hình sự

    Theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi 2017 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:

    - Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    Đối với người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ:

    + Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

    + Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

    - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

    + Có tổ chức;

    + Có tính chất chuyên nghiệp;

    + Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

    + Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

    + Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

    + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    + Tái phạm nguy hiểm.

    - Phạt tù từ 05 năm đến 12 năm đối với phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

    - Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm đối với phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

    - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

    Như vậy, cá nhân lên mạng hứa làm từ thiện, có kêu gọi quyên góp nhưng không làm mà trục lợi từ tiền quyên góp được thì sẽ có thể bị phạt hành chính đến 10 triệu đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, trường hợp vi phạm nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định trên.

    Một cá nhân như thế nào thì có thể đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện?

    Theo điểm h khoản 1 Điều 2 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

    Đồng thời, theo Điều 17 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định về vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện như sau:

    - Khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo mẫu quy định.

    Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

    - Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu. 

    Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

    Như vậy, cá nhân được đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện là cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự, khi kêu gọi thì phải thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông và UBND cấp xã nơi cư trú. Đồng thời, cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo từng cuộc quyên góp, phải sao kê, biên nhận đầy đủ và không được nhận thêm quyên góp sau khi đã hết thời gian tiếp nhận đã cam kết.

     
    161 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận