Chào bạn,
Qua thông tin bạn cung cấp, tôi có một số chia sẻ như sau:
Trong câu hỏi của mình, bạn có đề cập đến việc bạn đã đặt cọc với người cho thuê phòng trọ để tháng sau đó bạn chuyển đến ở. Sau đó bạn không muốn chuyển đến ở nữa và muốn lấy lại tiền cọc nhưng chủ phòng trọ không đồng ý. Bạn có hỏi về việc mình có thể lấy lại tiền đặt cọc hay không.
Trước hết, Vì việc đặt cọc này xảy ra năm 2015 nên được điều chỉnh bởi quy định của BLDS 2005. Điều 358 BLDS 2005 quy định:
“Điều 358. Đặt cọc
1. Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.
Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản.
2. Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”
Do ở đây, bạn chưa nói rõ việc đặt cọc giữa bạn và chủ phòng trọ có lập thành văn bản hay không nên tôi xin chia thành hai trường hợp.
Trường hợp 1: Nếu việc đặt cọc giữa bạn và chủ phòng trọ có lập thành văn bản thì căn cứ Khoản 2 Điều 358 BLDS 2005, vì bạn từ chối việc giao kết hợp đồng thuê nhà nên số tiền bạn đã đặt cọc thuộc về bên nhận phòng trọ.
Trường hợp 2: Nếu việc đặt cọc bạn và chủ phòng trọ không được lập thành văn bản thì hợp đồng đặt cọc có thể bị vô hiệu do vi phạm điều kiện về hình thức theo Khoản 2, Điều 122, BLDS. Tức là, trong trường hợp này, một trong hai bên có quyền yêu cầu Toà án tuyên hợp đồng đặt cọc vô hiệu. Và khi một trong hai bên thực hiện quyền này, hợp đồng đặt cọc có thể bị Toà án tuyên hợp đồng vô hiệu, hai bên trả lại cho nhau những gì đã nhận, bạn có quyền nhận lại tiền của mình.
Tuy nhiên, nếu một trong hai bên tuy không giao kết hợp đồng bằng văn bản nhưng không yêu cầu Toà án tuyên hợp đồng đặt cọc vô hiệu thì hợp đồng này vẫn có hiệu lực. Và khi đó, các bên phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Nếu hợp đồng đặt cọc không có thoả thuận khác thì căn cứ khoản 2 Điều 238 nói trên, vì bạn từ chối việc giao kết hợp đồng nên số tiền bạn đã đặt cọc thuộc về chủ phòng trọ.
Trên đây là ý kiến chia sẻ của chúng tôi, hy vọng rằng đã giúp bạn phần nào giải đáp thắc mắc của mình. Việc đưa ra các góp ý trên dựa vào nội dung mà bạn cung cấp và chỉ mang tính chất tham khảo. Trường hợp có nhầm lẫn hoặc cần tư vấn trực tiếp vui lòng liên hệ công ty Luật Việt Kim từ chúng tôi theo địa chỉ bên dưới.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc ý kiến, góp ý của chúng tôi!
Chuyên viên tư vấn: Nguyễn Thị Trà
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT DÂN SỰ | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.