Hiểu đơn giản, trộm cước viễn thông là hành vi chuyển tải trái phép lưu lượng dịch vụ điện thoại quốc tế từ nước ngoài về VN mà không thông qua các nhà cung cấp chính thức trong nước. Các dịch vụ voice chat, Internet Phone gọi từ PC đến PC thông qua cổng quốc tế của các doanh nghiệp trong nước đã được cấp phép là hợp pháp.
Theo các cơ quan chức năng, phương thức phổ biến nhất trong các vụ trộm cước là dùng đường truyền ADSL kết nối với mạng điện thoại cố định và di động. Ngoài ra, kẻ gian còn sử dụng mạng di động nước láng giềng kết nối vào mạng công cộng của Việt Nam do lợi dụng hiện tượng chồng lấn sóng di động dọc biên giới, hoặc dùng điện thoại kéo dài đưa qua biên giới nước láng giềng để chuyển các cuộc gọi từ nước ngoài về Việt Nam.
Tinh vi hơn là việc thiết lập trạm vệ tinh mặt đất VSAT kết nối vào mạng điện thoại cố định qua nhiều thuê bao điện thoại hoặc chuyển tiếp qua hệ thống vi ba ở nhiều vị trí khác nhau để kết nối vào mạng điện thoại cố định. Trong loại hình trộm cước này, trạm vi ba có thể đặt ở trong nước hoặc nước ngoài. Thậm chí, có vụ thực hiện bằng thuê kênh riêng đi quốc tế kết nối vào mạng điện thoại công cộng để truyền lưu lượng điện thoại từ nước ngoài về Việt Nam. Bằng các hình thức đó, kẻ gian đã thu lợi bất chính do trốn được khoản cước thanh toán quốc tế phải trả cho nhà nhà nước và các doanh nghiệp trong nước cũng như một số khoản thuế khác.
Bạn có trách nhiệm nắm rõ và đảm bảo thiết bị chuyển các cuộc gọi mà bạn sử dụng là hợp pháp thông qua kiểm tra hệ thống liên lạc bởi cá nhân có kiến thức về viễn thông hoặc cơ quan tổ chức chuyên ngành về bưu chính, viễn thông. Nếu bạn không am hiểu về hệ thống thì bạn có thể gặp rắc rối cho dù đã ký hợp đồng với bên nước ngoài nhằm loại bỏ trách nhiệm liên quan đến hệ thống liên lạc trên.