Quyền quyết định của Liên đoàn?
Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư, băn khoăn: Luật sư vi phạm điều lệ, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Liên đoàn, Ban Thường vụ thấy cần xử lý kỷ luật nhưng đoàn luật sư lại thấy không cần hoặc Ban Thường vụ thấy cần xử lý luật sư với hình thức nặng hơn mức đoàn xử lý thì giải quyết thế nào?
Tranh luận về việc này, nhiều luật sư đề xuất cần có riêng một điều quy định rõ về thẩm quyền của Liên đoàn Luật sư trong việc yêu cầu các đoàn luật sư xử lý luật sư thành viên.
Quy định rõ hơn
Điều 4 dự thảo quy định những trường hợp tạm hoãn xử lý kỷ luật, trong đó có trường hợp luật sư vi phạm đang trong thời gian bị bệnh nặng, phải điều trị. Tôi cho rằng cần phải định nghĩa thế nào là bệnh nặng, tránh trường hợp thấy bị xử lý là có ông nhảy vào bệnh viện nằm…
Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA,
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sưViệt Nam
Có nên tạm đình chỉ hoạt động?
Dự thảo quy định Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư có quyền quyết định tạm đình chỉ hoạt động hành nghề của luật sư trong quá trình xử lý kỷ luật nếu xét thấy việc hành nghề đó gây thiệt hại cho khách hàng hoặc tạo ra hậu quả khó khắc phục... Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng nếu quy định thì nên giới hạn thật ngắn, không quá 15 ngày, đồng thời quy định rõ trách nhiệm người ra quyết định tạm đình chỉ nếu sau đó mức xử lý chỉ là khiển trách, cảnh cáo.
Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Đạo đức nghề nghiệp, Khen thưởng Kỷ luật
Còn kẽ hở
Điều 17 dự thảo quy định khi luật sư bị khiếu nại, tố cáo hoặc bị phát hiện có hành vi vi phạm, Ban Chủ nhiệm sẽ xem xét, đánh giá ban đầu. Nếu nhận thấy có dấu hiệu vi phạm đến mức có khả năng phải xử lý kỷ luật thì Ban Chủ nhiệm ra văn bản chuyển cho Hội đồng Khen thưởng, Kỷ luật…
Yêu cầu Ban Chủ nhiệm xem xét đánh giá ban đầu thì rất khó vì còn phải xác minh. Nên quy định theo hướng Ban Chủ nhiệm sẽ chỉ đạo văn phòng đoàn luật sư vào sổ theo dõi và chuyển toàn bộ hồ sơ cho hội đồng xem xét xử lý kỷ luật… Quy định như vậy cũng tránh được trường hợp Ban Chủ nhiệm vì một lý do nào đó muốn “ém” vụ việc đi.
Luật sư ĐÀO NGỌC LÝ, Đoàn Luật sư TP Hà Nội