Gần đây, thông tin một Trung úy Công an đã bị giáng 02 cấp sau khi có đơn tố cáo vì chung sống và làm người khác có con nhưng không chịu cưới. Dưới góc độ pháp luật, nếu làm người khác có con nhưng không chịu cưới thì bị xử lý như thế nào?
Bài viết dưới đây sẽ khai thác các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi "làm người khác có con nhưng không chịu cưới"; được thể hiện cụ thể ở các tình huống sau đây:
*Đối với tình huống: Nam giới chưa có gia đình, làm người yêu có con
Hiện tại, Luật hôn nhân và gia đình 2014 chỉ quy định quyền và nghĩa vụ của nam hoặc nữ đã xác lập quan hệ hôn nhân. Vì quan hệ yêu đương và có con với nhau là sự tự nguyện đến từ hai bên. Việc nam giới làm người yêu có con nhưng chối bỏ hoặc không chịu làm đám cưới chỉ được xem là hành vi vi phạm phạm trù đạo đức. Do đó, không thể xử phạt hành chính cũng như không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, có thể yêu cầu trách nhiệm cấp dưỡng của người bố dù không đăng ký kết hôn, sau khi đã xác định quan hệ huyết thống.
*Lưu ý: Đối với trường hợp người cha từ chối thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
Trong trường hợp này, nếu Tòa án có quyết định yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà người cha vẫn cố tình không thực hiện thì có thể sẽ bị phạt hành chính từ 3.000.000 đồng – 5.000.000 đồng (quy định tại khoản 3 Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP).
*Ngoài ra, đối với trường hợp: Nam giới đã có gia đình và chung sống như vợ chồng với người khác
Thì có thể bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi được quy định tại Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP, cụ thể là hành vi:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có vợ hoặc đang có chồng
*Đối với các tình huống có liên quan đến độ tuổi hoặc yếu tố tự nguyện giữa các bên
Đối với các tình huống này, cần xem xét nhiều yếu tố nên không thể liệt kê hết tất cả những trường hợp có thể xảy ra; nếu các bạn có thắc mắc hoặc muốn mình viết thêm một bài viết cụ thể về trường hợp này thì có thể bình luận bên dưới cho mình biết nhé!