Đó là câu hỏi mà nhiều người bạn từng hỏi Shin. Và câu trả lời chung cho những câu hỏi dạng này đó là, bạn chỉ phải đóng thuế thu nhập cá nhân ít đi khi bạn thực sự thuộc các trường hợp được giảm trừ gia cảnh cho bản thân, cho người phụ thuộc và giảm trừ đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí tự nguyện và các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.
Nhớ nhé, bạn phải thực sự thuộc các trường hợp được giảm trừ thì mới được nhé, nếu khai báo gian dối để hưởng lợi thì bạn phải ngồi tù đấy!
Còn chi tiết được giảm trừ như thế nào thì mời các bạn theo Shin:
Thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là thu nhập từ kinh doanh có doanh thu cả năm từ 100 triệu đồng trở lên, thu nhập từ tiền lương, tiền công.
Vậy thì có 2 nhóm:
- Nếu bạn kinh doanh thì chỉ khi doanh thu cả năm của bạn từ 100 triệu đồng trở lên, bạn mới phải chịu thuế TNCN, còn doanh thu cả năm dưới 100 triệu đồng thì bạn không phải chịu thuế TNCN. Trường hợp này cứ lấy doanh thu nhân với tỷ lệ % (tỷ lệ này tùy theo từng ngành nghề mà bạn kinh doanh quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành)
- Nếu bạn là người làm công ăn lương thì hẳn là khoản thu nhập chịu thuế TNCN bao gồm tiền lương, tiền công và khoản các phụ cấp, trợ cấp (trừ một số khoản phụ cấp, trợ cấp không chịu thuế TNCN, các khoản không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN – phần này mình sẽ chi tiết sau). Số thuế bạn phải nộp sẽ tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần đối với khoản thu nhập chịu thuế TNCN trừ đi các khoản giảm trừ.
Các khoản giảm trừ bao gồm những khoản nào?
1. Giảm trừ gia cảnh đối với bản thân là 9 triệu đồng/tháng
2. Giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là 3.6 triệu đồng/người/tháng
Bạn phải là người trực tiếp có trách nhiệm nuôi dưỡng những người này
Đối với người phụ thụôc là con:
- Con đẻ.
- Con nuôi hợp pháp.
- Con ngoài giá thú.
- Con riêng của vợ/chồng
Con thuộc các trường hợp trên phải đáp ứng các điều kiện sau thì mới được xem xét giảm trừ:
- Con phải dưới 18 tuổi
- Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật nặng, không có khả năng lao động.
- Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 01 triệu đồng.
Đối với người phụ thuộc là vợ hoặc chồng; cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp; anh ruột, chị ruột, em ruột mà bạn phải là người trực tiếp nuôi dưỡng; ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột; cháu ruột bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột và người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định pháp luật
Nếu trong độ tuổi lao động thì phải là người bị khuyết tật, không có khả năng lao động và không có thu nhập hoặc thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không quá 01 triệu đồng.
Nếu hết độ tuổi lao động thì phải không có thu nhập hoặc thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không quá 01 triệu đồng.
3. Giảm trừ đối với khoản đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí tự nguyện: tối đa được trừ 01 triệu đồng/tháng.
4. Giảm trừ đối với khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học
Không được vượt quá thu nhập của người nộp thuế.
Xong các khoản được giảm trừ thì mình nói đến khoản phụ cấp, trợ cấp không chịu thuế TNCN.
Các khoản phụ cấp, trợ cấp không chịu thuế TNCN bao gồm:
- Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định pháp luật về ưu đãi người có công.
- Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ.
- Phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang.
- Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.
- Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực.
- Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.
- Trợ cấp đối với các đối tượng được bảo trợ xã hội theo quy định pháp luật.
- Phụ cấp phục vụ đối với lãnh đạo cấp cao.
- Trợ cấp một lần đối với cá nhân khi chuyển công tác đến vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ một lần đối với cán bộ công chức làm công tác về chủ quyền biển đảo theo quy định pháp luật. Trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người Việt Nam cư trú dài hạn ở nước ngoài về Việt Nam làm việc.
- Phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản.
- Phụ cấp đặc thù ngành nghề.
Còn các khoản không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN thì mời các bạn xem chi tiết tại Điểm g Khoản 1 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC và Khoản 5 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC.
Hết rồi!
Phải đảm bảo thực sự mình thuộc các trường hợp trên thì mới được giảm trừ nhé các bạn, đáp ứng đủ điều kiện rồi thì các bạn cần phải chuẩn bị một số thủ tục cần thiết để được giảm trừ, chi tiết hồ sơ cần chuẩn bị là tại Điểm g và Điểm h Khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
Cập nhật bởi shin_butchi ngày 19/10/2016 02:24:31 CH
Cập nhật bởi shin_butchi ngày 19/10/2016 02:22:03 CH