Liên quan đến việc Chủ tịch UBND huyện Nhơn trạch bị lừa đảo hơn 100 tỷ đồng, lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết sẽ lưu ý việc kê khai tài sản. Vậy kê khai tài sản là gì? Làm công việc nào thì phải kê khai tài sản? Thủ tục kê khai như thế nào?
(1) Kê khai tài sản là gì?
Căn cứ theo mục giải thích từ ngữ tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 130/2020/NĐ-CP có đề cập đến kê khai tài sản như sau:
“Kê khai tài sản, thu nhập là việc ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác các loại tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập phải kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo Mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập ban hành kèm theo Nghị định này.”
Như vậy, kê khai tài sản là việc người thực hiện kê khai trình bày cụ thể về các khoản tài sản, thu nhập của mình, về nguồn gốc và sự biến động tài sản đó.
(2) Làm công việc nào thì phải kê khai tài sản?
Theo Điều 10 Nghị định 130/2020/NĐ-CP thì những người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản hằng năm bao gồm các ngạch công chức và chức danh như sau:
- Chấp hành viên
- Điều tra viên
- Kế toán viên
- Kiểm lâm viên
- Kiểm sát viên
- Kiểm soát viên ngân hàng
- Kiểm soát viên thị trường
- Kiểm toán viên
- Kiểm tra viên của Đảng
- Kiểm tra viên hải quan
- Kiểm tra viên thuế
- Thanh tra viên
- Thẩm phán
- Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tại quy định này cũng đề cập đến những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong Phụ Lục III Nghị định 130/2020/NĐ-CP cũng thuộc những đối tượng có trách nhiệm kê khai tài sản hằng năm.
(3) Hướng dẫn thủ tục kê khai tài sản hằng năm
Thành phần hồ sơ: Người có nghĩa vụ kê khai tài sản hằng năm phải chuẩn bị những giấy tờ như sau:
- Các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện việc kê khai.
- Danh sách đối tượng phải kê khai theo quy định.
- 02 Bản kê khai tài sản, thu nhập của các đối tượng thuộc diện phải kê khai theo mẫu tại Nghị định 130/2020/NĐ-CP.
- Sổ theo dõi việc giao, nhận Bản kê khai.
https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/03/23/mau-ke-khai-tai-san-thu-nhap.doc Mẫu Bản kê khai tài sản, thu nhập
Trình tự thực hiện:
Bước 01: Cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng người lao động thuộc diện phải kê tài sản tiến hành lập Danh sách người có nghĩa vụ kê khai.
Bước 02: Cơ quan, đơn vị, tổ chức gửi Mẫu Bản kê khai tài sản, thu nhập theo mẫu tại Nghị định 130/2020/NĐ-CP. Đồng thời, hướng dẫn và yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập.
Bước 03: Người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm thực hiện kê khai theo Mẫu (02 bản kê khai) và gửi về cơ quan, tổ chức nơi mình làm việc. Những tài sản, thu nhập phải kê khai được quy định tại Điều 35 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.
Trường hợp thực hiện kê khai không đúng hoặc không đầy đủ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý yêu cầu kê khai bổ sung hoặc kê khai lại. Thời gian cho việc kê khai bổ sung hoặc kê khai lại này không được quá 07 ngày tính từ ngày nhận được yêu cầu kê khai lại, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
Bước 04: Trong thời hạn là 20 ngày tính từ ngày nhận được bản kê khai, cơ quan, tổ chức, đơn vị của người có nghĩa vụ kê khai rà soát, kiểm tra bản kê khai và bàn giao 01 bản kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền quy định tại Điều 30 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.
Bước 05: Thực hiện công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định tại Chương IV Nghị định 130/2020/NĐ-CP.
Tổng kết lại, kê khai tài sản là việc người thực hiện kê khai trình bày cụ thể về các khoản tài sản, thu nhập của mình, về nguồn gốc và sự biến động tài sản đó. Cán bộ thuộc các ngạch công chức và chức danh, người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định là những đối tượng có nghĩa vụ phải thực hiện kê khai tài sản, thu nhập hằng năm. Việc kê khai tài sản, thu nhập phải được thực hiện theo trình tự quy định.