Bị buộc phải thực hiện một số yêu cầu không có trong luật, các doanh nghiệp tại TPHCM đang gặp không ít rắc rối khi tiến hành thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Trước đây, thủ tục này khá đơn giản. Theo luật, tùy từng nội dung thay đổi, doanh nghiệp chỉ cần gửi thông báo ghi rõ nội dung thay đổi cho cơ quan đăng ký kinh doanh cùng với giấy tờ liên quan đến nội dung thay đổi là xong. Thế nhưng, vài tháng nay các doanh nghiệp bị buộc phải thực hiện thêm một số yêu cầu khác lạ. Đầu tiên là phải “ghi và mã hóa ngành, nghề đã đăng ký kinh doanh theo ngành, nghề cấp bốn trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam”. Yêu cầu này áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Riêng đối với doanh nghiệp có phần vốn góp hoặc cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài thì còn phải làm thêm thủ tục đăng ký đầu tư, sau khi xong thủ tục này mới được cho phép đăng ký việc thay đổi. Một công ty cho biết họ chỉ xin thay đổi địa chỉ đặt trụ sở, không hề liên quan gì đến việc thay đổi ngành, nghề kinh doanh cũng bị bắt buộc phải tuân thủ yêu cầu nói trên. Lúng túng nhất là đối với những doanh nghiệp trước đây được đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh những ngành, nghề không có trong danh mục hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Trong trường hợp này, theo quy định doanh nghiệp buộc phải chờ cho đến khi những ngành, nghề ấy được bổ sung vào danh mục bởiTổng cục Thống kê. Đây là điều không dễ xảy ra vì quy định như vậy nhưng từ thời điểm ban hành Quyết định 337 về hệ thống ngành kinh tế Việt Nam vào năm 2007 đến nay “đã có lần nào bổ sung đâu”, một luật sư cho biết. Nhưng đáng lo hơn cả vẫn là về thủ tục đăng ký đầu tư. Giám đốc một doanh nghiệp cho biết công ty của mình có 49% vốn nước ngoài và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ năm 2008 với trên chục ngành, nghề. Công ty chỉ đề nghị được thay đổi người đại diện theo pháp luật nhưng vẫn bị bắt buộc phải thực hiện bổ sung thủ tục đăng ký đầu tư, tức phải có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì cơ quan đăng ký mới cho phép thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Nếu thực hiện theo yêu cầu trên, toàn bộ ngành, nghề đã đăng ký sẽ phải đăng ký lại và có thể sẽ có những ngành, nghề phải loại bỏ vì có “yếu tố nước ngoài”. Nói chung, thủ tục sẽ vô cùng phức tạp và có thể sẽ phải chờ đợi dài dài. “Hai loại giấy tờ này thực chất đều chỉ có ý nghĩa là tạo cơ sở pháp lý cho một doanh nghiệp hoạt động. Trong khi đó, chúng tôi đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đang hoạt động bình thường, nay lại bắt làm thêm giấy chứng nhận đầu tư nữa, để làm gì, phục vụ cho ai hay chỉ làm khổ doanh nghiệp?”, vị giám đốc bức xúc. Giải thích về yêu cầu ghi và mã hóa ngành nghề, trong văn bản trả lời doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết là họ thực hiện theo Công văn 8311/BKH-ĐKKD ngày 19-11-2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Còn về yêu cầu bổ sung thủ tục đăng ký đầu tư, cơ quan đăng ký kinh doanh không viện dẫn cụ thể văn bản pháp luật nào mà chỉ nêu chung chung là “theo quy định của pháp luật”. Ai cũng biết công văn không phải là một văn bản quy phạm pháp luật và do đó không thể có giá trị bắt buộc thực hiện. Hơn thế nữa, hướng dẫn nói trên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa phải thật sự phù hợp pháp luật. Cụ thể, theo giải thích tại Công văn 8311/BKH-ĐKKD cơ sở pháp lý của việc phải ghi và mã hóa khi thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh là dựa trên khoản 4, điều 6 Nghị định 43/2010/NĐ-CP. Tuy nhiên, điều khoản này lại hoàn toàn không đề cập gì đến vấn đề nói trên. Kể cả trong toàn bộ chương V Nghị định 43/2010/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cũng không hề có yêu cầu bắt buộc phải ghi và mã hóa ngành, nghề cũng như yêu cầu về bổ sung thủ tục đăng ký đầu tư. Thậm chí, nghị định này còn quy định rằng “các bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp không được ban hành các quy định về đăng ký doanh nghiệp áp dụng riêng cho ngành hoặc địa phương mình”. Như vậy, những đòi hỏi về thủ tục thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh nói trên đã không dựa trên chuẩn mực pháp lý. Mặt khác, việc đặt ra những yêu cầu này còn có thể gây tổn hại đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. “Ví dụ như việc yêu cầu ghi và mã hóa ngành, nghề, thực chất chỉ nhằm phục vụ cho công tác thống kê. Vậy thì lẽ ra đây phải là nghĩa vụ của cơ quan quản lý nhà nước để phục vụ cho lợi ích quản lý nhà nước, chứ sao lại bắt doanh nghiệp đi vào đôi giày do cơ quan quản lý tự đo? Trong hệ thống pháp luật doanh nghiệp các nước tiên tiến, chủ doanh nghiệp có quyền ghi rằng doanh nghiệp sẽ thực hiện mọi hoạt động kinh doanh sinh lời thì sao Việt Nam lại có quy định lạ lùng thế?!”, một luật sư yêu cầu giấu tên phát biểu. Nguyên Tấn Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online |