Bài tư vấn
Chào bạn. Rất cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Do thông tin bạn cung cấp chưa rõ ràng: không rõ loại HĐLĐ, không rõ thời gian tạm hoãn HĐLĐ và người lao động xin nghỉ việc từ khi nào. Tôi chỉ có thể tư vấn như sau:
TH1: Người lao động làm việc theo hợp đồng có thời hạn hoặc HĐLĐ theo mùa vụ/ công việc nhất định
Công ty bạn chỉ cần không chấp nhận đơn xin nghỉ việc vì chưa đến thời hạn. Khi nào hết thời gian tạm hoãn HĐLĐ thì công ty bạn mới được mở phiên họp xử lý kỷ luật và phải đảm bảo người lao động có mặt.
Nguyên tắc xử lý kỷ luật được quy định tại Điều 123 BLLĐ 2012:
“Điều 123. Nguyên tắc, trình tự xử lý kỷ luật lao động
1. Việc xử lý kỷ luật lao động được quy định như sau:
[…] c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;
[…] 4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; […]”
Trình tự xử lý kỷ luật như sau: Nghị định 05/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động:
“Điều 30. Trình tự xử lý kỷ luật lao động
Trình tự xử lý kỷ luật lao động tại Điều 123 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Người sử dụng lao động gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên cơ sở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, người lao động, cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của người lao động dưới 18 tuổi ít nhất 5 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp.
2. Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động được tiến hành khi có mặt đầy đủ các thành phần tham dự được thông báo theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Trường hợp người sử dụng lao động đã 03 lần thông báo bằng văn bản, mà một trong các thành phần tham dự không có mặt thì người sử dụng lao động tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, trừ trường hợp người lao động đang trong thời gian không được xử lý kỷ luật quy định tại Khoản 4 Điều 123 của Bộ luật Lao động.”
TH2: Người lao động làm việc theo hợp đồng không có thời hạn.
Theo Bộ luật lao động, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn (chấm dứt HĐLĐ hợp pháp) mà không cần lý do, chỉ cần báo trước ít nhất 45 ngày:
“Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
[…] 3.Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.”
Vậy công ty bạn muốn xử lý kỷ luật thì phải mở phiên họp xử lý kỷ luật sớm nhất có thể, để trước khi đủ thời hạn 45 ngày thì có thể kỷ luật NLĐ.
Công ty bạn làm tương tự TH1, mở phiên họp xử lý kỷ luật đầu tiên ngay khi hết thời hạn tạm hoãn HĐLĐ. Nếu NLĐ vắng mặt thì triệu tập tiếp 2 lần. Đến phiên kỷ luật thứ 3 NLĐ vẫn vắng mặt thì công ty bạn có thể xử lý kỷ luật vắng mặt và ra quyết định sa thải.
Nếu NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ (một cách hợp pháp) trước khi Công ty ra quyết định sa thải thì công ty phải chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ. Nếu Công ty ra quyết định sa thải đúng quy trình thủ tục xử lý kỷ luật trước khi hết thời hạn 45 ngày kể từ ngày NLĐ nộp đơn xin nghỉ thì Công ty không phải chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ nữa.
“Điều 48. Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. […]”
“Điều 36. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
[…] 8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này. […]”
Trên đây là một số ý kiến trao đổi của tôi về trường hợp mà bạn đưa ra. Do thông tin còn hạn chế và một vài tình tiết khúc mắc nên không thể tư vấn kỹ càng. Để được tư vấn đầy đủ hơn mong bạn liên hệ với chúng tôi qua thông tin bên dưới. Trân trọng!
Chuyên viên tư vấn Nguyễn Khắc Thu
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT DÂN SỰ | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.