Có nhiều dự báo khác nhau về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016. Tuy nhiên, đa số đều lạc quan rằng tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới năm 2016 sẽ tốt hơn năm 2015.
2016 sẽ là năm có rất nhiều sự kiện đáng chú ý ảnh hưởng lớn tới kinh tế thế giới. Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có khả năng được được Quốc hội 12 nước thành viên thông qua. Mỹ sẽ bầu cử Tổng thống, Olympic mùa hè diễn ra ở Brazil, Trung Quốc thực hiện kế hoạch 5 năm mới… Nhưng sự kiện lớn nhất trong tất cả có lẽ là cuộc trưng cầu dân ý tại Anh về việc có nên tiếp tục là thành viên Liên minh châu Âu (EU) hay không…
IMF dự báo tăng trưởng GDP tăng 3,6 %
Trong nội dung báo cáo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu công bố vào tháng 10/2015, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận xét: “Kinh tế thế giới trong năm tới sẽ lạc quan hơn với kỳ vọng tăng trưởng trung bình trong dài hạn, nhưng quay trở lại thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ và đồng bộ là rất khó khăn”.
Quỹ này đưa ra con số dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu tăng trưởng 3,6%, cao hơn so với 3,1% năm nay và tương đương trung bình 3,5% giai đoạn 1980-2014.
Viễn cảnh chung cho năm tới là Trung Quốc sẽ tiếp tục xuống dốc. Kinh tế Mỹ tiếp tục dẫn đầu trong nhóm nước giàu có. Ngoài ra, khi nhu cầu thế giới còn yếu, lãi suất, giá dầu và các hàng hóa khác có khả năng vẫn duy trì ở mức thấp. Lãnh đạo các ngân hàng trung ương Mỹ, châu Âu và Nhật Bản sẽ là tâm điểm chú ý năm tới.
IMF đánh giá, biến số quan trọng nhất năm 2016 chính là Trung Quốc. Tăng trưởng nước này đã xuống dưới 7% trong quý III năm 2015, lần đầu tiên từ sau khủng hoảng tài chính 2008. Nhiều nước đang phát triển phụ thuộc lớn vào thương mại với Trung Quốc, như Brazil, Chile, Indonesia, Malaysia, Philippines, Nam Phi, Thái Lan và Việt Nam.
Tuy nhiên, nhu cầu hàng Trung Quốc của thế giới không còn tăng trưởng với tốc độ như trước đây nữa. Và nước này cũng không cần nâng cấp cơ sở hạ tầng một cách cấp bách. Cũng như người tiền nhiệm, Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình đang có khoảng thời gian rất khó khăn, khi phải lái tăng trưởng kinh tế theo hướng dựa vào tiêu dùng.
IMF dự báo năm tới, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 6,3%, thấp hơn so với 6,8% năm nay. Con số này có thể chấp nhận được, dù vẫn dưới mục tiêu các lãnh đạo nước này đặt ra.
Kinh tế châu Âu và Nhật Bản năm tới được dự báo yếu hơn. Không như Mỹ – tăng trưởng chậm mà chắc từ sau 2009, cả hai nền kinh tế trên đều đang đi lùi. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể giảm thêm lãi suất và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng đã sẵn sàng mua thêm trái phiếu để hạ lãi suất dài hạn.
Cuộc khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp đã khiến người Anh thở phào vì vẫn giữ nội tệ suốt nhiều năm qua. Năm 2016, họ cũng sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc có rời EU hay không. Russ Koesterich – chiến lược gia toàn cầu tại BlackRock cho rằng nếu người Anh muốn ra đi, “việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin doanh nghiệp tại châu Âu”.
Khủng hoảng di cư là cơn đau đầu mới với EU. Nhưng ít nhất tại Đức, nó có thể thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn, Malte Rieth – Giám đốc bộ phận dự báo kinh tế toàn cầu tại Viện nghiên cứu Kinh tế Đức cho biết. Cơ quan này ước tính khi Chính phủ trợ cấp những người này, và họ dùng số tiền đó chi tiêu vào hàng hóa, dịch vụ, GDP Đức sẽ tăng 0,1-0,2%.
2016 cũng sẽ là năm không mấy dễ chịu với Brazil và Nga. Brazil đang trải qua khủng hoảng chính trị và bị ảnh hưởng bởi giá dầu. Nga cũng đang chịu hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế và hụt thu ngân sách từ giá dầu giảm. IMF dự báo cả hai nền kinh tế này tiếp tục đi xuống năm 2016, nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Còn với các nước mới nổi khác, cơ quan này cho rằng tốc độ tăng trưởng tại Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc lên 7,5%, Mexico là 2,8% và Nam Phi là 1,3%.
LHQ dự báo chỉ đạt 2,9%
Ngày 10/12, Liên hiệp quốc (LHQ) công bố báo cáo về tình hình và triển vọng kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 chỉ đạt 2,9%.
LHQ cho rằng những “cơn gió ngược” sẽ tiếp tục trên khắp thế giới, nhất là tại các thị trường mới nổi đã có thời thu hút các nhà đầu tư mưu tìm lợi nhuận cao hơn khi Fed chưa nâng lãi suất.
Sang năm 2016, những lo âu vẫn còn kéo dài liên quan đến tình trạng tăng trưởng chậm hơn tại Trung Quốc.
Theo các chuyên gia của LHQ, mặc dù triển vọng kinh tế Mỹ khá hơn nhưng có nhiều phần chắc đồng USD tăng giá sẽ gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu trong năm 2016 và giá dầu tụt dốc làm giảm đầu tư toàn cầu trong lãnh vực năng lượng.
OECD hạ dự báo còn 3,3%
Ngày 23/12, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã thông báo hạ dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2016 từ mức dự báo 3,6% trước đó xuống còn 3,3% và không loại trừ một số khu vực có thể rơi vào giảm phát.
OECD cho rằng năm 2016 sẽ có sự phân hóa về tăng trưởng kinh tế trên thế giới với hai xu hướng: củng cố sự phục hồi tại các nước phát triển, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 2% so với mức chỉ hơn 1% trong giai đoạn 2010-2014; giảm tốc mạnh tại các nước mới nổi, với mức tăng trưởng giảm chỉ còn khoảng 2,4% so với mức 5% giai đoạn 2010-2014.
Theo OECD, các nước phát triển đã cơ bản thoát khỏi khủng hoảng, đang trong giai đoạn phục hồi và sẽ có sự phục hồi chắc chắn hơn trong năm tới. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và giới chuyên gia nhận định năm 2016, khu vực đồng euro (eurozone) sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung ước đạt hơn 1% trong năm nay. Các chỉ số kinh tế gần đây của Mỹ cũng khả quan, từ tăng trưởng GDP đến sản xuất công nghiệp, lạm phát, thất nghiệp và tạo việc làm. OECD dự báo tăng trưởng GDP năm 2016 của Mỹ có thể trên 3%.
Trong khi đó, các nước mới nổi chịu nhiều sức ép trong năm 2016: từ năng lực nội tại yếu đến việc suy giảm tốc độ tăng trưởng do bất lợi về giá nguyên liệu đầu vào, cũng như sự bất ổn từ việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất. Trong số các nước mới nổi, khu vực Nam Mỹ đáng lo ngại nhất vì chịu tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng giá các loại nguyên liệu đầu vào cũng như từ sự suy giảm sản lượng xuất khẩu, dẫn đến sụt giảm tổng giá trị xuất khẩu.
OECD dự báo Brazil có nguy cơ giảm phát, trong khi Nga có thể đối diện với tình trạng giảm phát nghiêm trọng với mức tăng trưởng âm 4,7% trong năm tới, đồng thời cảnh báo việc Fed thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ có thể dẫn đến làn sóng thoái vốn khỏi các nước mới nổi sang Mỹ.
Kinh tế tăng trưởng thấp tại các nước mới nổi sẽ kéo theo nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ mới. Tuy nhiên, một số nước mới nổi tại châu Á có thể tận dụng giai đoạn giá nguyên liệu đầu vào thấp để kích thích tăng trưởng (trường hợp của Ấn Độ), còn các nước phát triển được lợi từ việc giá nguyên liệu đầu vào giảm, lãi suất ở mức rất thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng tại châu Âu.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp