Kinh doanh sang nước ngoài như bạn nói trong trường hợp này về bản chất là đầu tư ra nước ngoài. Do đó, câu hỏi của bạn sẽ liên quan đến hai vấn đề lớn: (i) Điều kiện và trình tự thủ tục để một tổ chức, cá nhân Việt Nam được phép đầu tư ra nước ngoài; (ii) Hình thức kinh doanh, điều kiện, trình tự thủ tục để triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh tại nước sở tại.
Theo nguyên tắc chủ quyền quốc gia trong quan hệ quốc tế thì pháp luật của quốc gia này không thể điều chỉnh các hoạt động tại quốc gia khác. Do đó, đối với vấn đề (i) luật Việt Nam sẽ điều chỉnh, đối vấn đề (ii) thì luật nước ngoài – nước mà tổ chức cá nhân Việt Nam dự định đầu tư sẽ điều chỉnh.
Về vấn đề (i):
Theo Điều 2 Nghị định 78/2006/NĐ-CP về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thì tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân Việt Nam đều được phép đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, để tránh việc tẩu tán tài sản và bí mật công nghệ, lợi thế kinh tế của quốc gia bị tiết lộ cho nước ngoài, tổ chức cá nhân Việt Nam chỉ được phép đầu tư ra nước ngoài sau khi hoàn thành các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước Việt Nam và chỉ được đầu tư ra nước ngoài trong các lĩnh vực không bị cấm/hạn chế đầu tư ra nước ngoài.
Theo Luật Đầu tư 2005 và Nghị định 78/2006/NĐ-CP về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài thì tùy vào quy mô đầu tư, lĩnh vực đầu tư của dự án thì trình tự thủ tục và thẩm quyền cấp phép đầu tư ra nước ngoài sẽ khác nhau. Đối với những lĩnh vực quan trọng như dầu khí, viễn thông…thì phải có thêm sự chấp thuận đầu tư trước của Thủ tướng chính phủ. Đối những lĩnh vực không trọng yếu của nên kinh tế đất nước thì không cần phải có sự chấp thuận đầu tư của Thủ tướng chính phủ.
Trong trường hợp này, lĩnh vực mà bạn đầu tư là sản xuất, kinh doanh xe đạp, không thuộc lĩnh vực trọng yếu của nên kinh tế nên không cần phải có sự chấp thuận của Thủ tướng chính phủ. Tuy nhiên, nếu quy mô đầu tư của bạn dưới 15 tỷ đồng thì bạn chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư. Nếu quy mô dự án từ trên 15 tỷ đồng thì hồ sơ của bạn thuộc diện phải thực hiện theo tủ tục thẩm tra dự án đầu tư. Trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ và thời hạn giải quyết của hai thủ tục này là khác nhau. Nếu dự án thuộc diện thẩm tra đầu tư thì thành phần hồ sơ sẽ phức tạp hơn trường hợp đăng ký đầu tư và thời gian giải quyết hồ sơ cũng lâu hơn.
Cơ quan cấp phép đầu tư ra nước ngoài theo quy định hiện nay là Bộ Kế hoạch và Đầu Tư. Nếu bạn nộp hồ sơ qua đường bưu điện thì trên bìa thư nên ghi rõ là CỤC QUẢN LÝ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI – BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ vì khi bạn ghi chung chung BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ thì hồ sơ của bạn phải mất thời gian phân loại và xử lý.
Mặc dù thành phần hồ sơ được quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Nghị định 78/2006/NĐ-CP nhưng trên thực tế Cục Quản Lý Đầu Tư – Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư đòi hỏi rất nhiều tài liệu khác. Do đó, để hồ sơ được chấp nhận ngay từ đầu, không phải mất thời gian bổ sung, giải trình tới lui, bạn nên thuê luật sư có kinh nghiệm để được tư vấn chuẩn bị hồ sơ cho bạn một cách tốt nhất.
Về thời gian cấp phép. Mặc dù luật quy định thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài đối các dự án không thuộc diện phải có chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ tối đa không quá 18 ngày làm việc. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian giải quyết hồ sơ có thể kéo dài từ 3 đến 6 tháng.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu kiểm soát việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, sau khi bạn được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài thì phải làm thủ tục mở tài khoản ngoại tệ để đầu tư ra nước ngoài. Trong suốt thời gian thực hiện việc đầu tư ra nước ngoài, chuyển lợi nhuận hay vốn về nước đều phải thông qua số tài khoản này. Bạn cần liên hệ với Ngân hàng nhà nước tỉnh/thành phố nơi mà nhà đầu tư có trụ sơ (nếu là tổ chức) hoặc cư trú (nếu nhà đầu tư là cá nhân) để được hướng dẫn giải quyết.
Lưu ý: Nếu nhà đầu tư là tổ chức thì việc đầu tư ra nước ngoài còn phải tuân thủ quy định của điều lệ, quy chế quản trị nội bộ của nhà đầu tư đó.
Vấn đề thứ (ii).
Do liên quan đến luật pháp nước ngoài, luật sư Việt Nam không đủ điều kiện để tư vấn cho bạn. Tốt nhất bạn nên thuê công ty luật nước ngoài – nước mà bạn dự định đầu tư để được tư vấn chính xác. Nếu bạn không thể tự thuê công ty luật nước ngoài thì bạn có thể thông qua một công ty luật VN để tìm công ty luật nước ngoài. Các công ty luật Việt Nam sẽ đại diện cho bạn để tìm và làm việc với công ty luật nước ngoài. Khi đó, công ty luật VN sẽ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và tương tác với công ty luật nước ngoài trong quá trình làm việc.
Luật sư Phùng Thanh Sơn
Công ty Luật TNHH Thế Giới Luật Pháp.