Hiện nay khí cười dần trở nên phổ biến hơn đối với giới trẻ trong những năm gần đây. Loại khí này thường được các quán bar, pub,...Chiết xuất từ các bình bóng cười gây tác hại xấu đến người dùng. Vậy kinh doanh, sản xuất bình bóng cười sẽ đối mặt với mức phạt gì?
1. Bình bóng cười là gì?
Khí cười được xác định là một loại khí N2O (Dinitơ oxit hay nitrous oxide), để có thể dự trữ được khí N2O thì khí này được nén hoặc bơm vào bình bóng cười nếu số lượng lớn và sau đó bơm vào những quả bóng cười vận chuyển đến các cơ sở kinh doanh trái phép cho khách hàng.
N2O là một chất không màu, không mùi, khi người dùng hít vào thì hợp chất hóa học này làm chậm thời gian phản ứng của cơ thể. Từ đó, tạo cảm giác lâng lâng, hưng phấn và tạo cảm giác gây cười sảng khoái.
2. Sản xuất khí cười vào bình bóng cười có bị nghiêm cấm hay không?
Hiện nay, khí N2O không thuộc danh mục các chất bị cấm như ma túy nhưng vẫn được quy định trong Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (số thứ tự 120, Phụ Lục II của Nghị định 113/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hóa chất 2007).
Theo đó, khí N2O được dùng trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất và y tế nhầm chế tạo thuốc được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Do đó, khí N2O vẫn được sử dụng nhưng hạn chế và được cấp phép lưu hành.
Còn việc cá nhân, tổ chức tự ý điều chế khí N2O vào bình bóng cười vận chuyển, phân phối đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, cá nhân cần khí cười sẽ bị nghiêm cấm và xử phạt.
3. Sản xuất, kinh doanh bình bóng cười sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?
Trường hợp tổ chức sản xuất, kinh doanh N2O không thuộc phạm vi được cấp phép sẽ bị xử lý vi phạm quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp tại Điều 17 Nghị định 71/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP) với mức phạt như sau:
- Phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng đối với hành vi viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung ghi trong Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
- Phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
+ Cho thuê, cho mượn, cầm cố, thế chấp, bán, chuyển nhượng Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp;
+ Thuê, mượn, nhận cầm cố, nhận thế chấp, mua, nhận chuyển nhượng Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện quy định về cấp lại Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp khi có thay đổi về thông tin của cá nhân, tổ chức.
- Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh không đúng địa điểm, quy mô, chủng loại hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp ghi trong Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp mà không có Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hoặc tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất trong thời gian bị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả, như sau:
- Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp từ 03 tháng đến 06 tháng.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc nộp lại Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp bị viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung cho cơ quan cấp Giấy phép.
+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.