Hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có văn bản nào định nghĩa khái niệm “hàng xách tay”. Do đó, hàng xách tay được hiểu là các loại hàng hóa được mang từ nước ngoài về Việt Nam qua đường xách tay.
Bên cạnh đó, kinh doanh hàng xách tay không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020. Trường hợp kinh doanh hàng xách tay theo kiểu buôn chuyến (mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ) hoặc buôn bán vặt (mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định) thì không phải đăng ký kinh doanh theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP.
Tuy nhiên, cần lưu ý khi bán hàng xách tay cần phải đáp ứng những điều kiện sau:
- Hàng hóa đó đã được thông qua hải quan theo thủ tục đối với hành lí của người xuất, nhập cảnh, được quy định tại Điều 59 Nghị định 08/2015/NĐ-CP;
- Đảm bảo đúng số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
- Hàng hóa không trong danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP;
- Hàng hóa có hóa đơn, chứng từ kèm theo và đúng quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn (Điều 4 và Điều 5 Thông tư liên tịch 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP)
Nếu không đảm bảo các điều kiện nêu trên thì hàng xách tay có thể bị xem là hàng nhập lậu. Việc kinh doanh hàng nhập lậu có thể bị xử phạt lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân theo quy định tại Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.