Vừa qua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị Bộ LĐTB&XH nghiên cứu và sớm thực hiện quy định theo Nghị quyết 101/2019/QH14 về giảm số giờ làm việc bình thường đối với người lao động xuống mức thấp hơn 48 giờ/tuần.
Kiến nghị giảm giờ làm xuống dưới 48 giờ/tuần
Theo khoản 5 Điều 1 Nghị quyết 101/2019/QH14, Quốc hội đã hoàn thành chương trình kỳ họp thứ 8 với các nội dung được xem xét, quyết định. Trong đó về đề xuất giảm giờ làm việc như sau:
Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp.
Thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Việt Nam và một số đại biểu Quốc hội đã có kiến nghị về giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động xuống dưới 48 giờ/tuần nhằm sớm thực hiện Nghị quyết 101/2019/QH14.
Trước kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ LĐTB&XH đã có phản hồi: giảm giờ làm việc xuống dưới 48 giờ/tuần là một chính sách có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Vì vậy, Bộ LĐTB&XH sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo đảm tính khả thi khi đề xuất chính sách này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.
Đề xuất này của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lại tiếp tục được đưa ra trong thời điểm tiến tới tháng Công nhân - hướng tới các hoạt động chăm sóc sức khỏe và đời sống của người lao động.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cơ quan nhà nước được nghỉ cả ngày thứ bảy nhưng doanh nghiệp không được nghỉ là không công bằng. Nếu thực hiện quy định này, người lao động ở khu vực doanh nghiệp sẽ được nghỉ làm ngày thứ bảy và chủ nhật (như khu vực hành chính) hoặc có thể chỉ làm nửa ngày thứ bảy như một số doanh nghiệp đang áp dụng.
Đề xuất giảm giờ làm được phần lớn người lao động hưởng lương theo thời gian ủng hộ. Nhưng những người lao động ăn lương theo sản phẩm thì hiện tại mong muốn được tăng lương hơn là giảm giờ làm. Nhiều người lao động mong được làm thêm hơn 48 giờ/tuần (hoặc hơn 8 giờ/ngày) để tăng thu nhập. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại nếu giảm giờ làm thì sẽ ảnh hưởng tới khối lượng sản xuất và tiến độ thực hiện các đơn hàng.
Nguồn: Tổng hợp
Quy định về thời giờ làm việc của người lao động hiện nay
Thời giờ làm việc bình thường
Về thời giờ làm việc bình thường, Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
- Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
- Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
Như vậy, người sử dụng lao động phải đảm bảo số giờ làm bình thường của người lao động không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần đối với thời giờ làm việc bình thường.
Trường hợp làm việc theo tuần, thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần.
Giới hạn thời gian làm thêm
Theo Điều 60 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định giới hạn số giờ làm thêm như sau:
- Tổng số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày làm việc bình thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 60 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
- Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.
- Trường hợp làm việc không trọn thời gian quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động 2019 thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.
- Tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày, khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.
- Thời giờ quy định tại khoản 1 Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP được giảm trừ khi tính tổng số giờ làm thêm trong tháng, trong năm để xác định việc tuân thủ quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019.
Theo đó, điểm c khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 quy định tổng số thời gian làm thêm giờ không quá 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì người lao động được làm thêm giờ nhưng không quá 300 giờ/năm.
Như vậy, thời gian làm thêm thông thường sẽ được áp dụng không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong ngày. Ngoài ra, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể sẽ có giới hạn làm thêm khác nhau theo quy định như trên.