>>> Tạt sơn, vứt rác vào nhà người khác thì phạt bao nhiêu?
Theo hồ sơ, năm 2010, ông N. đã ba lần cho ông G. vay tổng số 3,8 tỉ đồng và 450.000 USD, có thỏa thuận lãi suất và thời hạn vay là một năm. Theo ông G., sau đó ông đã trả tiền nợ vào tài khoản của cháu ông N. theo yêu cầu của ông N. Tuy nhiên, ông N. lại tiếp tục ủy quyền cho công ty đòi nợ thuê tên L. để đòi tiền ông.
Yêu cầu xin lỗi công khai
Ngày 29-2-2016, Công ty L. cho người đến nhà ông G. để đòi nợ và chửi bới. Do nhân viên Công ty L. không có giấy tờ chứng minh nên ông G. không tiếp. Ba ngày sau, nhân viên Công ty L. lại đến và do có giấy ủy quyền của ông N. nên ông G. đã làm việc và ngay trong ngày đã trả 186 triệu đồng thông qua Công ty L. Về phần tiền lãi, ông G. cho biết không đồng ý trả vì đã hết thời hiệu khởi kiện và đã có gửi thông báo cho phía ông N.
Tiếp đó, sáng 22-3-2016, Công ty L. cho người tụ tập trước cửa la lối, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ông G. Sự việc này có sự chứng kiến của tổ trưởng dân phố và những người hàng xóm. Nhóm người này còn chặn đầu xe taxi yêu cầu ông G. xuống xe. Sau đó các bên đã đến công an phường làm việc. Cũng theo ông G., người của Công ty L. có hành vi tạt sơn vào nhà mẹ ông G. vào ngày 25-3-2016, trước đó một ngày thì tạt sơn và mắm tôm vào ô tô của mẹ ông G. Ông G. có báo với công an và chính quyền địa phương.
Theo ông G., mặc dù ông N. ủy quyền cho công ty đòi nợ nhưng sau khi ông G. trả nợ rồi thì ông N. vẫn yêu cầu công ty này đòi. Nếu ông N. không yêu cầu thì Công ty L. sẽ không thực hiện các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ông. Ngoài ra, khi nhân viên Công ty L. đến nhà xúc phạm thì ông có gọi điện thoại báo nhưng ông N. không ngăn cản. Do đó, ông G. khởi kiện yêu cầu ông N. và Công ty L. phải liên đới bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm và xin lỗi công khai ông G. tại UBND phường và đăng tin xin lỗi trên một tờ báo ngày trong ba kỳ liên tiếp.
Vụ kiện được TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) thụ lý giải quyết bằng vụ án dân sự về tranh chấp yêu cầu bồi thường ngoài hợp đồng do danh dự, uy tín, nhân phẩm bị xâm phạm
Bị đơn nói không xúc phạm
Phía bị đơn là ông N. trình bày do ông G. không trả nợ đúng thời hạn nên ông đã ký hợp đồng để ủy quyền cho Công ty L. đòi nợ. Công ty L. được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực đòi nợ và có đủ điều kiện để thực hiện hợp đồng. Theo hợp đồng thì Công ty L. chỉ đại diện cho ông N. đòi nợ mà không ủy quyền hay yêu cầu có hành vi trái pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm ông G. Trong quá trình đòi nợ, ông N. không gặp gỡ, nói chuyện với ông G. nên việc ông G. khởi kiện là không có cơ sở.
Đại diện của Công ty L. thì trình bày để thực hiện hợp đồng với ông N. thì đã cử đội nghiệp vụ thu nợ gồm sáu nhân viên thực hiện. Công ty cũng quy định đội nghiệp vụ chỉ được thực hiện thu hồi nợ theo quy định, nếu vi phạm phải tự chịu trách nhiệm. Đội nghiệp vụ đã đến nhà ông G. để thu hồi nợ, ngày 1-3-2016 thông qua công ty ông G. đã trả cho ông N. 186 triệu đồng.
Hai bên có lập biên bản về việc ông G. đã trả ông N. số tiền là hơn 13 tỉ đồng theo ba giấy mượn tiền các ngày 8-5, 17-6 và 6-8-2010. theo hợp đồng dịch vụ thu hồi nợ thì số tiền ông N. ủy quyền cho Công ty L. thu hồi là hơn 21 tỉ đồng nên đội nghiệp vụ thu nợ đã đến nhà ông G. yêu cầu trả.
Công ty L. có nhận được thông báo của văn phòng luật sư xác định đã hết thời hiệu khởi kiện đối với phần tiền lãi nhưng đây chỉ là ý kiến của phía khách nợ. Vì thế Công ty L. vẫn tiếp tục đòi nợ cho ông N. Ngày 20-9-2016, Công ty L. và ông N. đã ký biên bản thanh lý hợp đồng và công ty đã gửi thông báo cho ông G. và công an phường. Đại diện Công ty L. cho rằng nhân viên của mình không đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ông G. Người của công ty cũng không tạt sơn vào nhà, vào xe của mẹ ông G. như ông G. đã trình bày. Do đó, công ty không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông G.
Xử sơ thẩm mới đây, TAND quận Bình Thạnh đã tuyên bác yêu cầu của ông G. vì không có căn cứ để xác định Công ty L. khi thực hiện đòi nợ đã có những hành vi xâm phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của ông.
Nguồn: Pháp luật Tp.HCM