Khái niệm “sống thử’ trước hôn nhân cũng không còn xa lạ gì với một bộ phận người trẻ ngày nay. Vậy nếu có tài sản được tạo lập trong thời gian sống thử mà sau đó hai bên không tiếp tục chung sống thì được giải quyết như thế nào?
Sống thử là gì?
Sống thử dùng để chỉ hoạt động các cặp đôi chung sống với nhau như vợ chồng mà chưa thực hiện đăng ký kết hôn, chưa làm đám cưới hay thực hiện bất cứ thủ tục gì để được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp.
Sau một thời gian chung sống, nếu hai bên cảm thấy phù hợp thì có thể tiến tới các bước tiếp theo để trở thành vợ chồng hợp pháp. Nếu không thể tiếp tục chung sống thì cũng không phải thực hiện thủ tục gì nếu như không có tranh chấp về tài sản chung.
Sống thử có vi phạm pháp luật không?
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014, chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.
Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định cấm các hành vi có liên quan đến chung sống như vợ chồng sau:
- Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Như vậy, ngoại trừ các hành vi bị cấm nêu trên, hiện nay pháp luật không quy định sống thử hay chung sống như vợ chồng là vi phạm pháp luật.
Tài sản tạo lập khi sống thử được chia như thế nào?
Theo Khoản 1 Điều 14 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
- Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.
- Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật hôn nhân và gia đình 2014.
Theo đó, Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:
- Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Theo Điều 219 Bộ luật dân sự 2015 quy định về phân chia tài sản chung như sau:
- Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung:
+ Nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó;
+ Khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.
- Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Như vậy, việc phân chia tài sản chung khi sống thử sẽ được thực hiện theo thỏa thuận của hai bên, tuy nhiên phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con (nếu có). Còn đối với trường hợp không tự thoả thuận được thì chia theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
Thời điểm xác lập quan hệ hôn nhân sau khi sống thử
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật hôn nhân và gia đình 2014, trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.
Như vậy, dù cho trước khi đăng ký kết hôn, hai bên đã sống với nhau như vợ chồng nhưng khoảng thời gian này sẽ không được tính vào thời gian vợ chồng xác lập quan hệ hôn nhân hợp pháp. Thời gian pháp luật công nhận vợ chồng xác lập quan hệ hôn nhân hợp pháp với nhau là tính từ thời điểm đăng ký kết hôn.
Tuy nhiên, pháp luật vẫn có quy định các trường hợp ngoại lệ chung sống với nhau như vợ chồng vẫn được cho là quan hệ vợ chồng hợp pháp. Xem cụ thể các trường hợp và quy định của pháp luật trong các trường hợp này tại Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.