Điểm 10.2 QCVN41:2016/BGTVT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ” ban hành kèm theo Thông tư 06/2016/TT-BGTVT hướng dẫn tham gia giao thông khi thấy đèn vàng như sau:
Điều 10. Điều khiển giao thông bằng tín hiệu đèn
10.3. Ý nghĩa của đèn tín hiệu:
…
10.3.2. Tín hiệu vàng: báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”. Nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe”, thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn“Vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau.
Từ quy định trên và thực tiễn trong hoạt động điều khiển phương tiện tham gia lưu thông trên đường, tôi thấy có một số vấn đề:
1. Thời gian sáng của đèn vàng
Thời gian sáng của của một đèn vàng thông thường là từ 3 – 5 giây. Trong khoảng thời gian này người đi đường phải thực hiện liên tiếp 05 bước bắt buộc trong khi đang trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia lưu thông:
Bước 1: Nhìn vào đèn tín hiệu xem nó có đang vàng hay không? Nếu có thì thời gian còn vàng bao lâu?
Bước 2: Nhìn vào vạch dừng xe xem phương tiện đã tiến sát đến hoặc vượt quá vạch dừng xe hay chưa?
Bước 3: Nhìn vào gương chiếu hậu xem những phương tiện lưu thông phía sau đang trong tình trạng như thế nào
Bước 4: Phân tích xem việc dừng xe của mình có gây nguy hiểm cho người khác hay không?
Bước 5: Ra quyết định là dừng xe hay tiếp tục lưu thông
Chỉ trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi như thế mà bản thân người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải thực hiện từng ấy những hoạt động, buộc các bộ phận như mắt (quan sát), tay, chân (đạp ga, đạp (bóp) phanh), tai (nghe tiếng còi xe) và não (phân tích) phải hoạt động hết công suất.
Khi lưu thông trên đường, đặc biệt là khu vực nội thành, nội thị người điều khiển phương tiện phải vượt qua vài chục cái đèn vàng như vậy trong khói bụi, tiếng ồn và kẹt xe, thử hỏi tại sao việc tham gia giao thông luôn là một cực hình???
2. Ranh giới giữa được phép vượt và không được phép vượt
Như đã phân tích tại mục 1., thời gian đèn vàng sáng là quá ngắn trong khi phương tiện lại đang lưu thông chứ không phải trong tình trạng đứng yên. Do vậy việc xác định phương tiện “đã tiến sát đến hoặc vượt quá vạch dừng xe” khi “tín hiệu vàng bật sáng” là không thể vì không có phương tiện để xác định tính chính xác.
Hiện nay trong một số môn thể thao như bóng đá, tennis v.v…người ta sử dụng đến công nghệ Goal-line, tuy nhiên công nghệ này chỉ dừng lại ở việc xác định bóng đã chạm vạch hay chưa (phương tiện đã tiến sát hoặc vượt quá vạch dừng hay chưa) chứ cũng không thể xác định được việc đó xảy ra vào thời điểm “tín hiệu vàng bật sáng”, chưa kể việc trang bị công nghệ trên là vô cùng tốn kém.
Như vậy, ranh giới giữa việc được phép và không được phép vượt là vô cùng mỏng manh (tính trên đơn vị giây) và không có phương tiện để xác định được việc này. Vì thế rất dễ xảy ra cự cãi giữa CSGT và người tham gia giao thông quanh việc có hay không có hành vi vi phạm.
3. Tính khả thi của quy định
Theo như phân tích tại mục 2., hoàn toàn không có cơ sở để xác định người tham gia giao thông đã vi phạm hay không vi phạm và CSGT đã xử lý đúng hay không đúng.
Tuy nhiên, tại điểm d, đ khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định
Điều 3. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính
1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
…
d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
đ) Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;
Theo quy định trên nghĩa vụ chứng minh sẽ thuộc về người có thẩm quyền xử phạt (trong trường hợp này là CSGT) chứ không thuộc về người bị cho là vi phạm, mà việc chứng minh này là không thể vì không có bằng chứng.
Do vậy, nếu muốn xử phạt đúng pháp luật hành vi vượt đèn vàng là điều không thể
Cập nhật bởi truongngoclieu ngày 29/07/2016 04:33:49 CH
When you like your work, every day is a holiday