Không sử dụng găng tay khi bán thức ăn đường phố bị xử phạt như thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #612922 18/06/2024

    Không sử dụng găng tay khi bán thức ăn đường phố bị xử phạt như thế nào?

    Thức ăn đường phố là gì? Hành vi không sử dụng găng tay khi bán thức ăn đường phố có vi phạm pháp luật hay không? Nếu có thì bị xử lý như thế nào?

    1. Thức ăn đường phố là gì?

    Căn cứ khoản 26 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010, thức ăn đường phố là thực phẩm được chế biến dùng để ăn, uống ngay, trong thực tế được thực hiện thông qua hình thức bán rong, bày bán trên đường phố, nơi công cộng hoặc những nơi tương tự.

    Theo đó, có thể hiểu thức ăn đường phố là những loại thức ăn, đồ uống đã chế biến sẵn hoặc sẵn sàng chế biến và phục vụ tại chỗ theo yêu cầu của khách hàng được bày bán trên vỉa hè, lề đường ở các đường phố, khu phố đông người hoặc những nơi công cộng khác, chẳng hạn như một siêu thị, công viên, khu du lịch, điểm giải trí, khu phố ăn uống ngoài trời... thông thường thức ăn đường phố được bày bán trên các tiệm ăn di động, quán ăn tạm thời hay là từ một gian hàng di động cho đến các loại xe đẩy.

    Không sử dụng găng tay khi bán thức ăn đường phố bị xử phạt như thế nào? (Ảnh minh họa - Nguồn Internet)

    2. Không sử dụng găng tay khi bán thức ăn đường phố bị xử phạt như thế nào?

    Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 16 Nghị định 115/2018/NĐ-CP, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

    Mức phạt này cũng áp dụng với các hành vi vi phạm khác của cá nhân buôn bán thức ăn đường phố như:

    - Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn.

    - Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập.

    Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP), mức xử phạt nêu trên áp dụng đối với cá nhân có hành vi vi phạm. Trường hợp tổ chức kinh doanh thức ăn đường phố mà không sử dụng găng tay khi bán thức ăn sẽ gấp 02 lần số tiền nêu trên.

    Như vậy, hành vi không sử dụng găng tay khi bán thức ăn đường phố có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi vi phạm.

    3. Điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố

    Căn cứ Điều 31 và Điều 32 Luật An toàn thực phẩm 2010, cá nhân, tổ chức kinh doanh thức ăn đường phố phải đảm bảo các điều kiện sau:

    (i) Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi bày bán thức ăn đường phố, bao gồm:

    - Phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm.

    - Phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố.

    (ii) Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm và người kinh doanh thức ăn đường phố, bao gồm:

    - Nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

    - Dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh.

    - Bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm.

    - Có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại.

    - Có đủ nước đạt quy chuẩn về mẫu nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất lượng nước sinh hoạt số 02:2009/BYT phục vụ việc chế biến, kinh doanh.

    - Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

    Như vậy, cá nhân, tổ chức kinh doanh thức ăn đường phố phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Mục 3 nêu trên. Hành vi không sử dụng găng tay khi bán thức ăn đường phố có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức.

     
    138 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận