Không sơ tán theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai bị xử phạt thế nào?

Chủ đề   RSS   
  • #616252 12/09/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 27652
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 575 lần
    SMod

    Không sơ tán theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai bị xử phạt thế nào?

    Không thực hiện sơ tán theo chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai bị xử phạt thế nào? Nguồn nhân lực cho phòng chống thiên tai bao gồm những ai? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

    (1) Không sơ tán theo chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai bị xử phạt thế nào?

    Căn cứ Điều 12 Nghị định 03/2022/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định trong triển khai ứng phó với thiên tai như sau:

    - Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền trừ quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 03/2022/NĐ-CP.

    - Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai lệch về vị trí, tình trạng của phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, sông, hồ, kênh, rạch, đầm, phá cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng khi có thiên tai.

    - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai của người có thẩm quyền đối với chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển, sông, hồ, kênh, rạch, đầm, phá.

    Theo đó, trường hợp cá nhân có hành vi không thực hiện sơ tán, không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền thì có thể bị phạt tiền từ 03 đến 05 triệu đồng. 

    Trường hợp cá nhân là chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển, sông, hồ, kênh, rạch, đầm, phá mà có hành vi trên thì có thể bị xử phạt lên đến 30 triệu đồng. 

    Lưu ý: Mức xử phạt nêu trên được áp dụng đối với cá nhân, trường hợp vi phạm là tổ chức thì mức phạt tiền sẽ bằng 02 lần.

    (2) Nguồn nhân lực cho phòng chống thiên tai bao gồm những ai?

    Căn cứ khoản 1 Điều 6 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 được sửa đổi bởi Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020 có quy định về nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai như sau:

    - Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn là lực lượng tại chỗ thực hiện hoạt động phòng chống thiên tai;

    - Dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền;

    - Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền;

    - Tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia hỗ trợ hoạt động phòng chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai theo sự chỉ huy của người có thẩm quyền;

    - Người làm công tác phòng chống thiên tai tại cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai.

    Theo đó, hiện nay, những đối tượng như đã nêu trên là nguồn nhân lực cho phòng chống thiên tai.

    (3) Khi phòng, chống lũ quét cần tuân thủ những nguyên tắc nào?

    Căn cứ Điều 4 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 có quy định về những nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai như sau:

    - Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.

    - Phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau.

    - Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

    - Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, địa phương và quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.

    - Phòng, chống thiên tai phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch và bình đẳng giới.

    - Phòng, chống thiên tai phải dựa trên cơ sở khoa học; kết hợp sử dụng kinh nghiệm truyền thống với tiến bộ khoa học và công nghệ; kết hợp giải pháp công trình và phi công trình; bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

    - Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai.

    Theo đó, hiện nay, khi thực hiện phòng, chống lũ quét nói riêng hay thiên tai nói chung cần tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản như đã nêu trên.

     
    134 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận