Những tên tuổi như Steve Jobs, Bill Gates, Mark Zuckerberg hay Micheal Dell đã khiến nhiều người cho rằng bỏ học để khởi nghiệp chính là đường tắt dẫn đến thành công. New York Times từng ví von rằng hiện tượng này đã "mở ra vùng đất mới để làm giàu". Một lãnh đạo trẻ cũng nhận xét bỏ học "gần như là sự tự hào" với các nhà khởi nghiệp.
Trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ của Forbes năm ngoái, 63 người không có bằng đại học. Tính trung bình, họ có tài sản 9,4 tỷ USD, cao gần gấp 3 những người có bằng tiến sĩ.
|
Mark Zuckerberg, Steve Jobs và Bill Gates đều từng bỏ học. Ảnh: Suger Slam
|
Những người này có thể được chia làm 2 nhóm. Nhóm một bỏ học vì muốn theo đuổi một sản phẩm hoặc ý tưởng nào đó. Họ có kỹ năng, có tầm nhìn rõ ràng về dự định trong tương lai và không muốn đợi cho đến khi tốt nghiệp. Những người như Mark Zuckerberg, Bill Gates hay Micheal Dell là tiêu biểu cho nhóm này.
Nhóm thứ 2 hơi khác do không rời đại học để kinh doanh. Ví dụ điển hình là ông trùm thời trang Ralph Lauren. Từng theo học Đại học Baruch, Lauren bỏ ngang sau 2 năm để vào quân đội. Sau này, ông làm trợ lý bán hàng cho Brooks Brothers trước khi sáng lập đế chế thời trang như hiện nay.
Tất cả những câu chuyện trên đã khiến nhiều người cho rằng các yếu tố khác có thể bù lại cho tấm bằng Đại học. Nếu họ có thể làm được, tại sao mình thì không?
Tuy nhiên, The Atlantic cho rằng chúng ta đã bỏ qua chi tiết những người bỏ học và thành công là những cá nhân rất xuất sắc. Thành công của họ dựa trên những kỹ năng đã có từ trước khi vào Đại học. Họ biết cách tự học, tự vay ngân hàng, quản lý thời gian và tiền bạc. Cũng có thể họ hưởng lợi từ mạng lưới quan hệ rộng, từ sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè hay người quen.
Còn nếu một người trẻ không có những nguồn lực đó, bỏ học để kinh doanh cũng giống như lấy tiền tiết kiệm mua xổ số, với hy vọng sẽ thắng giải triệu USD vậy. Anh ta sẽ không thể trở thành những người như Mark Zuckerberg, LeBron James hay James Cameron. Thay vào đó, anh ta sẽ là một trong hàng triệu người bỏ học vô danh khác.
Theo The Atlantic, 34 triệu người Mỹ trên 25 tuổi từng học Đại học, nhưng không lấy được bằng, tương đương cả bang California. 71% số này có khả năng thất nghiệp hoặc vỡ nợ cao gấp 4 lần người có bằng. Bên cạnh đó, thay vì trở thành triệu phú, họ lại có thu nhập trung bình ít hơn 32%.
Rất nhiều sinh viên, đặc biệt là những người có gia cảnh khó khăn, cần tấm bằng đại học để thay đổi cuộc sống. Một nghiên cứu năm ngoái của Đại học California (UCLA) cho thấy những người ít có điều kiện vào đại học nhất sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất từ tấm bằng cử nhân.
Những người này không được thoải mái lựa chọn vào các trường đình đám hay gia nhập Thung lũng Silicon. Họ không nằm trong nhóm sinh viên dưới 20 tuổi được đồng sáng lập PayPal - Peter Thiel trả 100.000 USD để rời trường và theo đuổi việc kinh doanh trong 2 năm. Với họ, đại học không phải là một sự lựa chọn, mà là bước đệm buộc phải có để xoay chuyển tương lai.
Đại học giúp người trẻ được trang bị kiến thức và các mối quan hệ để thành công. Họ cũng được dạy các kỹ năng phân tích, logic, sự tự tin để mạnh dạn theo đuổi các ý tưởng mới. Nó sẽ giúp sinh viên thay đổi quan điểm, va chạm với nhiều nền văn hóa và quan điểm xã hội.
Không phải ngẫu nhiên mà các ý tưởng thực tiễn làm thay đổi cả cuộc sống của chúng ta, như máy tính, Internet đều bắt nguồn từ các sinh viên Đại học. Và cũng chẳng phải trùng hợp khi cộng đồng doanh nhân nổi tiếng, trong đó có các tỷ phú công nghệ, đều trưởng thành từ các trường Đại học nổi tiếng.
Hà Thu
(Nguồn: kinhdoanh.vnexpress)