Để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và thai nhi trong quá trình hôn nhân, Luật hôn nhân gia đình có quy định con sinh ra trong vòng 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là người vợ có thai trong thời kì hôn nhân, nếu cha mẹ không thừa nhận thì vẫn phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định. Theo Điều 88 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định:
"1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định."
Như vậy, trường hợp người vợ phát hiện có bầu và sinh con trong vòng 300 ngày kể từ thời điểm chinh thức ly dị nếu không có chứng cứ xác định thì đứa bé vẫn là con chung của cô vợ này và người chồng cũ. Dù người chồng này có chối bỏ mình không phải là cha đứa bé thì theo quy định của pháp luật anh ta vẫn phải có trách nhiệm cấp dưỡng, chăm sóc đối với người con "pháp lí" này của mình.
Để đảm bảo lợi ích của mình, người chồng có thể chứng minh bằng cách xét nghiệp ADN, chứng minh vợ chồng ly thân trong khoảng thời gian nào...để xác định mình không phải là cha của đứa bé và không có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Tuy nhiên, điều luật này cũng thể hiện tính nhân văn sâu sắc và tiến bộ trong tư tưởng của pháp luật về hôn nhân gia đình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước những biến đổi của xã hội, trước những người cha vô trách nhiệm với con cái ruột của chính mình.