Năng lượng nguyên tử là lĩnh vực đặc thù đòi hỏi yêu cầu về trình độ khoa học công nghệ cao. Phóng xạ có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, tùy thuộc vào mức độ và thời gian tiếp xúc mà ảnh hưởng khác nhau, vì vậy việc kiểm soát môi trường làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là yêu cầu thiết yếu.
Năng lượng nguyên tử là gì?
Căn cứ Điều 3 Luật năng lượng nguyên tử 2008 định nghĩa Năng lượng nguyên tử là năng lượng được giải phóng trong quá trình biến đổi hạt nhân bao gồm năng lượng phân hạch, năng lượng nhiệt hạch, năng lượng do phân rã chất phóng xạ; là năng lượng sóng điện từ có khả năng ion hóa vật chất và năng lượng các hạt được gia tốc.
Hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; xây dựng, vận hành, bảo dưỡng, khai thác, quản lý và tháo dỡ cơ sở hạt nhân, cơ sở bức xạ; thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng phóng xạ; sản xuất, lưu giữ, sử dụng, vận chuyển, chuyển giao, xuất khẩu, nhập khẩu nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, nhiên liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân; xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ và các dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.
Kiểm xạ là việc đo liều chiếu xạ hoặc đo mức nhiễm bẩn phóng xạ để đánh giá, kiểm soát mức độ chiếu xạ do bức xạ hoặc chất phóng xạ gây ra.
Có bắt buộc phải lưu trữ hồ sơ kiểm xạ khu vực làm việc không?
Căn cứ Điều 24 Luật năng lượng nguyên tử 2008 quy định về kiểm xạ khu vực làm việc như sau:
- Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải thực hiện thường xuyên và có hệ thống việc kiểm xạ khu vực làm việc, đo đạc các thông số cần thiết làm cơ sở cho việc đánh giá an toàn.
- Máy móc, thiết bị sử dụng cho việc kiểm xạ, đo đạc phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, phải được bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn định kỳ.
- Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ phải lập, cập nhật, bảo quản hồ sơ kiểm xạ, đo đạc và hồ sơ bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn.
Như vậy, Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ có nghĩa vụ phải lưu trữ, bảo quản hồ sơ kiểm xạ khu vực làm việc của nhân viên bức xạ.
Không lưu trữ hồ sơ kiểm xạ khu vực làm việc của nhân viên bức xạ bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị định 107/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Theo đó, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi không lập hoặc không lưu giữ một trong các hồ sơ, tài liệu sau đây:
- Hồ sơ về nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, các thay đổi, sửa chữa, nâng cấp thiết bị bức xạ;
- Hồ sơ kiểm xạ khu vực làm việc của nhân viên bức xạ;
- Hồ sơ bảo dưỡng, kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị ghi đo bức xạ, thiết bị bức xạ;
- Nhật ký vận hành, sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ;
- Hồ sơ về sự cố trong quá trình tiến hành công việc bức xạ;
- Hồ sơ đào tạo, hồ sơ sức khỏe của nhân viên bức xạ;
- Hồ sơ liều bức xạ của nhân viên bức xạ;
- Hồ sơ xin cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ;
- Hồ sơ xử lý, lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ;
- Hồ sơ về việc gửi hàng phóng xạ khi vận chuyển vật liệu phóng xạ.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 107/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính trên là mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính như trên của tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, hành vi không lưu trữ hồ sơ kiểm xạ khu vực làm việc của nhân viên bức xạ có thể bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 6.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức.