Kính chào Quý Ông/bà !
Về vấn đề ông/bà hỏi, tôi xin được tư vấn như sau:
Câu hỏi 1: …do tài sản của bà T quá lớn so với số tiền phải thi hành nên cơ quan thi hành án không thể phát mãi tài sản đó để thi hành bản án. Vậy xin quý Luật sư cho chúng tôi biết theo quy định nào ?
- Hiện nay, Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định nào khẳng định cơ quan thi hành án không được phát mãi tài sản để thi hành án do tài sản đó có giá trị lớn hơn khoản tiền phải thi hành án.
Mặt khác, Khoản 3 Điều 41 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 về việc Kê biên tài sản đã quy định rõ: “Trong trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nghĩa vụ phải thi hành án mà không thể phân chia được hoặc việc phân chia sẽ làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên vẫn có quyền kê biên tài sản đó để bảo đảm thi hành án”. Do đó, việc cơ quan thi hành án trả lời như ông/bà nêu trên (nếu có) là không phù hợp các quy định nêu trên.
Câu hỏi 2: Để thi hành được bản án này chúng tôi cần phải làm gì ?
- Theo quy định tại Điều 59 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 thì ông/bà có quyền khiếu nại về việc thi hành án khi có căn cứ cho rằng các quyết định, hành vi của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án, Chấp hành viên đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của ông/bà. Cụ thể hơn, ông/bà có thể đến làm việc hoặc gửi công văn yêu cầu Cơ quan thi hành án ra Quyết định kê biên để phát mại tài sản này.
- Về mặt thực tiễn, một số nơi việc thi hành án khó khăn thực sự là do tài sản quá lớn, gấp hàng chục, hàng trăm lần giá trị phải thi hành án nên đa số các chấp hành viên đều ngại kê biên, phát mại tài sản đó vì những khó khăn trong nghiệp vụ. Những trường hợp như thế này, hầu hết bên được thi hành án đều cố gắng tìm tài sản khác để yêu cầu thi hành án (ô tô, xe máy, nhà, đất khác,…). Khoản tiền cần phải thi hành của ông/bà không lớn, do đó ông/bà có thể tham khảo thêm hướng giải quyết này.
Chúc ông/bà sớm thu hồi được khoản tiền từ thi hành án !