Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
“Điều 36. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
…”
Theo đó, không có định nghĩa cụ thể về thường xuyên việc không hoàn thành công việc được giao. Việc đánh giá người lao động có hoàn thành công việc hay không phải căn cứ vào các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế mà doanh nghiệp đã quy định.
Cũng theo quy định trên, quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc sẽ do người sử dụng lao động ban hành nhưng vẫn cần phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở nếu doanh nghiệp đó có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Trường hợp doanh nghiệp tự đặt ra quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc mà không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động thì sẽ bị coi là hành vi vi phạm. Theo đó, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng (theo điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Như vậy, nếu dựa vào Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành, người lao động không hoàn thành công việc được giao trong 3 tháng liền kề là “thường xuyên không hoàn thành công việc” thì Công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.