Chào bạn,
Dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp, tôi xin có một số ý kiến đóng góp như sau:
Thứ nhất, Điều 78 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định biện pháp cưỡng chế: Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
“1. Thu nhập của người phải thi hành án gồm tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác.
2. Việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Theo thỏa thuận của đương sự;
b) Bản án, quyết định ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;
c) Thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo định kỳ, khoản tiền phải thi hành án không lớn hoặc tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án.
3. Chấp hành viên ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thoả thuận khác. Đối với thu nhập khác thì mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.
4. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.”
Như vậy, theo quy định trên thì mức cao nhất mà cục thi hành án khâu trừ vào tiền lương của bố bạn là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Thứ hai, đối với trường hợp của bạn có “một bà nội già yếu mắt kém, mẹ bị bệnh tiểu đường không có khả năng làm việc, bạn bị mắc bệnh hiểm nghèo, em trai còn bé và hai anh em vẫn còn đang đi học, phụ thuộc vào gia đình. Thu nhập 100% là phụ thuộc vào lương của bố bạn” có thể được xem là có hoàn cảnh khó khăn. Nếu như gia đình bạn thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Chính phủ thì bố bạn có thể làm đơn đề nghị để được miễn hoặc giảm phí thi hành án có xác nhận của một trong những cơ quan, đơn vị là UBND xã, phường, thị trấn, cơ quan tổ chức nơi bố bạn cư trú, sinh sống, làm việc hoặc có xác nhận của bệnh viện,cơ quan ý tế cấp huyện trở lên nếu(đối với trường hợp ốm đau kéo dài) nộp cho cơ quan thi hành án.
Các trường hợp miễn giảm phí thi hành án:
“1. Giảm 80% phí thi hành án đối với người được thi hành án là người có khó khăn về kinh tế. Người có khó khăn về kinh tế được giảm phí thi hành án là người thuộc chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Miễn phí thi hành án đối với các đối tượng được quy định tại Điều 2 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Miễn phí thi hành án đối với người được thi hành án là người thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài theo quy định của pháp luật hiện hành.
4. Miễn phí thi hành án đối với trường hợp Tòa án xác định không có giá ngạch và không thu án phí có giá ngạch khi xét xử (như trường hợp đòi nhà cho thuê, đòi nhà cho ở nhờ…).”
Trên đây là ý kiến đóng góp của tôi, nếu còn thắc mắc bạn vui lòng liên hệ:
Chuyên viên tư vấn: Nguyễn Thị Liên
Trân trọng !
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT HÌNH SỰ - HÀNH CHÍNH | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: [email protected]; [email protected] - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.