Chống người thi hành công vụ - Minh họa
Trong nhiều trường hợp, dù bị cảnh sát giao thông dừng xe thông báo lỗi vi phạm nhưng người dân hoàn toàn có căn cứ để cho rằng mình không hề sai. Trong trường hợp này, việc không đồng ý ký vào biên bản xử phạt có được xem là hành vi “chống người thi hành công vụ” hay không?
Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cùng xem lại cấu thành của tội “chống người thi hành công vụ” tại Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015, theo đó:
“Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Như vậy, mấu chốt của vấn đề là việc không ký tên vào biên bản có được xem là “cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ”
Đồng ý rằng việc cảnh sát giao thông lập biên bản vi phạm chính là thực hiện công vụ, tuy nhiên ở đây “cản trở” phải được hiểu là người vi phạm cố ý trực tiếp dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hành vi khác,… nhằm ngăn không cho người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của mình.
“Công vụ” mà người cảnh sát giao thông thực hiện chỉ có thể là việc “lập biên bản” tức nếu người vi phạm cản không cho cảnh sát viết biên bản thì đây chính là hành vi “chống người thi hành công vụ”. Riêng đối với việc ký tên vào biên bản – hành động này dưới góc nhìn của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được xem là hành vi đồng ý xác nhận những nội dung ghi tại biên bản, trong đó có lỗi vi phạm.
Mặt khác, Điểm g Khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;”, như vậy cho đến khi họ chứng minh được mình không vi phạm hành chính, họ không có nghĩa vụ phải ký vào biên bản.
Thêm vào đó, Luật tố tụng hành chính cũng cho phép mọi người dân khi không đồng tình với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính thì hoàn toàn có quyền khởi kiện, chính vì vậy họ không có nghĩa vụ phải đồng tình với quyết định xử phạt mình nếu chứng cứ chứng minh vi phạm chưa thuyết phục!
Tuy nhiên, cũng theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, cụ thể tại Điều 58 có quy định trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 1 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Lúc này, những người khác sẽ đứng ra làm chứng xác nhận nội dung của biên bản có chính xác hay không và người vi phạm vẫn sẽ phải nhận quyết định xử phạt, tuy nhiên họ không mất đi quyền khởi kiện vụ án hành chính của mình.