Đăng ký khai tử - Ảnh minh họa
Giấy chứng tử hay Giấy khai tử là một loại giấy tờ hộ tịch của cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho gia đình, thân nhân, người đại diện hoặc cá nhân, tổ chức có liên quan để xác nhận tình trạng một người đã chết, xác định về thời gian chết, địa điểm chết và nguyên nhân cái chết. Giấy chứng tử về mặt pháp lý là căn cứ rõ ràng nhất xác định thời điểm chết của người được khai tử. Giấy chứng tử căn cứ để xác định thời điểm mở thừa kế, diện thừa kế, di sản thừa kế.
Người không có hộ khẩu thì đăng ký khai tử ở đâu?
Căn cứ quy định tại Điều 32 Luật hộ tịch 2014 thì:
“Điều 32. Thẩm quyền đăng ký khai tử
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.”
Bên cạnh đó, Điểm đ Khoản 2 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định:
“Điều 4: Xác định nội dung đăng ký khai sinh, khai tử
2. Khi đăng ký khai tử theo quy định của Luật Hộ tịch, nội dung khai tử phải bao gồm các thông tin: Họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; số định danh cá nhân của người chết, nếu có; nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo Dương lịch; quốc tịch nếu người chết là người nước ngoài.
Nội dung đăng ký khai tử được xác định theo Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền sau đây cấp:
...
đ) Đối với người chết không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d của Khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp Giấy báo tử.”
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai tử là Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết, nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì sẽ do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể.
Thủ tục đăng ký khai tử như thế nào?
Theo quy định tại Điều 34 Luật hộ tịch 2014 thì:
Người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và Giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay giấy báo tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Ngay sau khi nhận giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc khai tử đúng thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai tử vào Sổ hộ tịch, cùng người đi khai tử ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người đi khai tử.
Công chức tư pháp – hộ tịch khóa thông tin hộ tịch của người chết trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Hồ sơ cần nộp gồm:
+ Tờ khai theo mẫu quy định.
+ Giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay giấy báo tử.
Như vậy, người có trách nhiệm đăng ký khai tử chỉ cần xuất trình Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay cho Giấy báo tử là đủ điều kiện để làm thủ tục khai tử và được cấp Giấy chứng tử. Pháp luật không yêu cầu phải xuất trình sổ hộ khẩu khi làm thủ tục xin cấp Giấy chứng tử.
Cập nhật bởi NgocHoLaw ngày 11/12/2020 08:02:51 SA