1:8' 29/8/2011 |
Trên thị trường tự do, sáng qua 25/8, giá USD đã nhích lên 20.980 đồng (mua vào) và 21.040 đồng (bán ra). Ảnh minh họa |
Bất chấp tình trạng các ngân hàng đang giao dịch USD ở mức kịch trần, kể cả khi Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, trong thông điệp mới đây nhất, tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình vẫn khẳng định hoàn toàn có cơ sở kinh tế để đảm bảo ổn định tỷ giá trong những tháng cuối năm 2011. Ngân hàng phát tìn hiệu
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 6, tín dụng ngoại tệ tăng hơn 23% so với cuối năm 2010 trong khi tín dụng VND tăng chưa tới 3%. Đây là kết quả tất yếu khi lãi suất cho vay VND vẫn ở mức cao trong khi DN tình toán vay USD có lợi hơn. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia, việc chuyển sang vay vốn bằng ngoại tệ, nhất là USD của DN thời gian qua khá lớn sẽ dẫn đến áp lực trả nợ tại một thời điểm khá cao. Đây là một thực tế đã xảy ra vào những năm trước.
Trước ngày 11/8, tỷ giá USD tại Vietcombank – ngân hàng đứng đầu về doanh số thanh toán quốc tế, luôn duy trì ở mức dưới trần cho phép, biên độ mua và bán khá rộng, trên dưới 80 đồng/USD. Nhưng từ ngày 11/8, khi các đơn vị đầu mối rục rịch nhập khẩu vàng theo quota 5 tấn mà NHNN cấp, biên độ được các ngân hàng co hẹp lại, cả giá mua và bán tăng mạnh.
Hôm 22/8, khi giá vàng trong nước phá kỷ lục 48 triệu đồng/ lượng và đang tiến tới mốc 49 đồng/lượng, Vietcombank đã nâng giá mua USD lên mức 20.800 đồng/USD, trong khi giá bán ra vẫn phải cầm cự ở mức 20.824 đồng/USD (kịch trần 1% so với tỷ giá liên ngân hàng 20.618 do NHNN công bố). Hôm sau, một loạt các nhà băng khác như BIDV, Vietinbank, Eximbank … cũng đã nâng giá mua USD lên 20.800 đồng/USD, trong khi NHNN vẫn giữ tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 20.618 đồng/USD.
Tỷ giá VND/USD - Bám đuôi quyết liệt
Ngột ngạt được giải tỏa khi sớm ngày 24/8, NHNN công bố tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng thêm 10 đồng, lên 20.628 đồng/USD. Với biên độ +/-1% , giá tối đa mà các ngân hàng được phép bán là 20.834 đồng/USD.
Ngay lập tức, các ngân hàng thương mại (NHTM) đưa giá USD bán ra bám sát trần, ở mức tối đa 20.834 VND. Vietcombank nhanh chóng nâng giá mua bán USD thêm 10 đồng, đưa mức giá mua vào ở mức 20.830 đồng/USD và bán ra ở mức 20.834 đồng/USD, chỉ chênh có 4 đồng/USD giữa mua vào và bán ra. “Khiêm tốn” hơn, Eximbank, cũng yết giá mua vào 20.810 đồng/USD. Các nhà băng khác cũng đồng loạt điều chỉnh cho “bằng chị bằng em”, quyết liệt bám giá trần bán ra 20.834 đồng/USD, điều mà ở các lần điều chỉnh trước, mức giá bán ra thường được điều chỉnh từ từ đến kịch trần.
Nếu như trước ngày 24/8, ngày NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá thêm 10 đồng/USD, chênh lệch giữa giá mua vào- bán ra là 24 đồng/USD thì hiện tại mức chênh lệch đó chỉ còn 4 đồng/USD. Sự đeo bám quyết liệt giá USD bán ra của các NHTM với mức trần biên độ cho phép, cũng như giữa giá mua vào với giá bán ra có phải chỉ là cuộc đua đơn thuần giữa các ngân hàng hay biểu hiện của sự căng thẳng ngoại hối càng về gần cuối năm?
Trên thị trường tự do, sáng qua, 25/8, giá USD đã nhích lên 20.980 đồng (mua vào) và 21.040 đồng (bán ra), giá mua không thay đổi nhưng giá bán tăng 10 đồng/USD so với sáng qua.
Vẫn còn thặng dư 3-5 tỷ USD đến cuối năm
Trước đó, hôm 23/8, NHNN đã phát đi thông điêp cho biết: cán cân thanh toán tổng thể năm 2011 có khả năng thặng dư từ 2,5 đến 4,5 tỷ USD. “Thời gian qua cán cân thương mại được cải thiện đáng kể, từ chỗ nhập siêu khoảng 16% xuất khẩu nay chỉ còn trên 10%. Xuất khẩu, dịch vụ, du lịch, kiều hối tăng mạnh và tiếp tục duy trì chiều hướng tăng trong những tháng cuối năm. Giá trị, vị thế của đồng Việt nam đã được củng cố, so sánh tương quan giữa nắm giữ, đầu tư bằng VND và ngoại tệ cho thấy ưu thế nghiêng hẳn về phía VND. Dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng lên đáng kể, dư sức để can thiệp bình ổn thị trường ngoại hối trong mọi tình huống...” - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Ông Bình cũng cho rằng, mặc dù tín dụng bằng ngoại tệ tăng khá cao (đến 15/08/2011 tăng khoảng 24%), nhưng phân tích giữa nguồn và sử dụng nguồn của các tổ chức tín dụng (TCTD) cho thấy vẫn có thặng dư từ 3 đến 5 tỷ USD từ nay đến cuối năm, thanh khoản ngoại tệ của các TCTD được đảm bảo. „Các phân tích nêu trên cho thấy hoàn toàn có cơ sở kinh tế để đảm bảo ổn định tỷ giá trong những tháng cuối năm 2011...”- tân Thống đốc khẳng định.
Trao đổi với PLVN, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cho biết, không phải bây giờ mà áp lực tăng tỷ giá đã được các chuyên gia và Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia cảnh báo từ cách đây mấy tháng, khi các DN đổ xô vay ngoại tệ tất yếu sẽ tạo cung ảo ngoại tệ đến kỳ trả nợ vào cuối năm, mà việc các ngân hàng giao dịch kịch trần và nhấp nhổm vượt trần chỉ là biểu hiện...
„Theo tôi được biết, hiện nhiều ngân hàng vẫn đang trong tình trạng cho vay USD nhiều hơn huy động. Kể cả khi NHNN có tăng dự trữ ngoại tệ thì mức dự trữ này còn xa mới bằng mức năm 2008. Vấn đề không chỉ là can thiệp bằng các bơm tiền hay điều chỉnh tỷ giá, mà cần phải có chính sách giữa các đồng tiền để không làm méo mó thị trường...”- vị chuyên gia này khuyến cáo.
Trong báo cáo triển vọng thị trường tiền tệ số ra tháng 8.2011 vừa qua, Tập đoàn HSBC cũng dự báo tỷ giá USD tại VN sẽ tăng lên 21.500 đồng từ quý 3/2011 và sẽ duy trì mức tỷ giá này đến hết quý 2/2012. VND cũng là đồng tiền duy nhất tại khu vực Nam Á (mà HSBC đưa vào so sánh) sẽ giảm giá so với USD trong khi đồng tiền của các nước như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan,... đều được dự báo sẽ tăng giá so với USD trong cùng thời gian này. |
Hiểu My
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam Cung cấp dịch vụ Đào tạo kế toán trưởng, dịch vụ tư vấn thuế, dịch vụ Setup hệ thống kế toán cho DN
Dịch vụ soát xét hóa đơn, chứng từ, sổ sách trước khi Quyết toán thuế.
Liên hệ: Ms Vân 0969.790.185/ Zalo: 0969.790.185/ Skype:van_kttc