>>>Một số điều cần biết về “ủy quyền trong khiếu nại”
>>>Có thể đồng thời khiếu nại và khởi kiện hành chính không?
>>>Phân biệt Tố cáo, Khiếu nại và Khiếu kiện
Khiếu nại về đất đai là một trong hoạt động giúp Nhà nước kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý của các quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai và hơn hết, đảm bảo quyền giám sát của công dân đối với hoạt động quản lý đất đai. Đây là loại khiếu nại thường gặp trên thực tế, theo thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai chiếm đến 98% tổng lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo mà Bộ nhận được (thông tin báo Vietnamnet đăng ngày 26/07/2019).
Pháp luật hiện nay không đưa ra định nghĩa cụ thể như thế nào là khiếu nại đất đai, xong khái quát dựa trên định nghĩa khiếu nại theo quy định Luật Khiếu nại 2011, chúng ta có thể hiểu "khiếu nại đất đai là việc người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất theo thủ tục của Luật Khiếu nại đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình."
Vậy, muốn khiếu nại đất đai đúng luật, bạn cần đảm bảo các điều kiện nào?
Để thực hiện thủ tục khiếu nại đất đai trở nên dễ dàng, bạn cần nắm được các điều kiện khiếu nại sau:
1. Chủ thể có quyền khiếu nại đất đai
Người khiếu nại đất đai gồm: người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất chịu sự tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại (khoản 1 Điều 204 Luật Đất đai 2013). Trong đó:
+ Người sử dụng đất: là cá nhân, hộ gia đình, tổ chức,… sử dụng đất.
+ Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất: là người, tổ chức nhận thừa kế, nhận tặng cho, nhận chuyển nhượng,…
Ngoài ra, theo Luật khiếu nại 2011, hai đối tượng trên có thể tự mình khiếu nại hoặc thực hiện quyền khiếu nại thông qua người đại diện trong 03 trường hợp sau:
- Một là: Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại.
- Hai là: Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại.
- Ba là: Uỷ quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. Có căn cứ cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chính người khiếu nại (trừ trường hợp đại diện khiếu nại như đã đề cập ở trên).
3. Việc khiếu nại chưa được Tòa án thụ lý giải quyết.
Theo đó, nếu việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án (trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án) thì sẽ không được thụ lý giải quyết.
4. Khiếu nại đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại như sau:
CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN
|
GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI LẦN ĐẦU
|
GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI LẦN HAI
|
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện
|
Quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp
|
|
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
|
Quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình
|
Quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết
|
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
|
Quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình
|
Quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở và cấp tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết
|
Thủ trưởng cơ quan cấp trên khác (ví dụ như Phòng Tài nguyên và Môi trường) có nghĩa vụ giải quyết khiếu nại đất đai lần đầu nếu đó là hành vi hành chính, hoặc quyết định hành chính của mình hoặc cơ quan, cá nhân mà mình quản lý đưa ra.
|
Trong đó, khiếu nại lần hai được hiểu là trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.
5. Còn thời hiệu khiếu nại
Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Ngoài ra, trường hợp có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại thì nếu muốn tiếp tục khiếu nại, người khiếu nại phải thực hiện trong thời hạn 30 ngày. Nếu ngoài thời hạn trên, khiếu nại sẽ không được thụ lý giiar quyết (khoản 8 Điều 11 Luật khiếu nại 2011).
6. Đảm bảo hình thức khiếu nại
Đơn khiếu nại phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại, kể cả trường hợp khiếu nại trực tiếp (trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản)
7. Khiếu nại chưa có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
>>>Thời hạn giải quyết khiếu nại
Thời hạn giải quyết khiếu nại đất đai được quy định tại Luật khiếu nại 2011, cụ thể:
THỜI HẠN GIẢI QUYẾT
|
KHIẾU NẠI LẦN ĐẦU
|
KHIẾU NẠI LẦN HAI
|
Thời hạn thông thường
|
Không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý.
|
Không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.
|
Trường hợp đặc biệt
|
Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.
|
Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
|
Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn
|
Không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
|
Không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.
|