Bộ Luật Lao động quy định: "Người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi, có khả năng lao động và có giao kết hợp đồng lao động".Đây là tuổi lao động tối thiểu theo quy định của Bộ Luật Lao động.
Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khoẻ để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động chưa thành niên về các mặt lao động, tiền lương, sức khoẻ, học tập trong quá trình lao động.
Như vậy việc sử dụng lao động chưa thành niên (từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi) không phải là hành vi phạm tội.
Việc sử dụng lao động chưa thành niên phải tuân theo Nguyên tắc sử dụng lao động là người chưa thành niên quy đinh tại Điều 163 Bộ luật lao động và không được sử dụng lao động chưa thành niên vào các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên (quy định tại Điều 165 Bộ luật lao động)
Đặc biệt, Bộ luật lao động quy định việc sử dụng lao động đối với người chưa thành niên dưới 15 tuổi như sau:
“1. Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm các công việc nhẹ theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
2. Khi sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi thì người sử dụng lao động phải tuân theo quy định sau đây:
a) Phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật và phải được sự đồng ý của người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi;
b) Bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến giờ học tại trường học của trẻ em;
c) Bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi;
3. Không được sử dụng lao động là người dưới 13 tuổi làm việc trừ một số công việc cụ thể do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định”.
Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm quy định tại Khoản 7 Điều 8 Bộ luật lao động.
Trường hợp người sử dụng lao động vi phạm các quy định về sử dụng lao động vị thành niên thì bị xử phạt theo Quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động
Hành vi sử dụng lao động trẻ em bị coi là tội phạm chỉ trong trường hợp sau :
1. Người nào sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
(Điều 228 Bộ luật hình sự - Tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em)