Tình trạng chờ văn bản hướng dẫn đang diễn ra ngày một trầm trọng. Khi nào thì chấm dứt hiện tượng này. Mặc dù theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ: Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi văn bản đó có hiệu lực thì thi hành được ngay, trường hợp trong văn bản có điều, khoản mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, những vấn đề chưa có tính ổn định cao thì ngay tại điều, khoản đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết. Cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp. Và: Văn bản quy định chi tiết phải quy định cụ thể, không lặp lại quy định của văn bản được quy định chi tiết và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết. Vậy nhưng các cơ quan nhà nước được giao quyền quy định chi tết đã chậm trễ trong việc ban hành văn bản hướng dẫn. Liệt kê ra thì nhiều vô kể, xin chỉ đơn cử lấy một ví dụ: Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch. Đến mãi ngày 26/02/2014, Thông tư liên tịch sô 10/2014/TTLT-BYT-BNV-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn một số điều của Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg mới được ban hành. Thông tư liên lịch số 10/2014/TTLT không những vi phạm về mặt thời gian, mà còn vi phạm về nội dung. Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg quy định: Mức thường trực là 115.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng I, nhưng tại Thông tư liên tịch số 10/2014/TTLT mức thường trực này đã bị hạ xuống còn 90.000 đồng/người/phiên trực. Nếu như ngân sách nhà nước không đủ để bố trí mức 115.000đ/người/phiên trực thì Thủ tướng Chính phủ phải ban hành một Quyết định khác để sửa đổi, bổ sung Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg. Theo quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 thì quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2014/TTLT đã trái với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phải bị bãi bỏ (phần không phù hợp).
Các cơ quan, tổ chức nhìn chung cũng quá máy móc trong việc thực hiện chế độ, chính sách. Cứ ban hành luật là phải chờ Nghị định; ban hành Nghị định là phải chờ Thông tư. Không phải bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào như Luật hoặc Nghị định (hoặc Quyết định của Thủ tướng) cũng phải chờ văn bản hướng dẫn. Chỉ những vẫn đề chưa được cụ thể hóa trong Luật (hoặc Nghị định) mới phải chờ hướng dẫn. Có những điều hiển nhiên như Nghị định số 66/2013/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, thì cần gì phải Thông tư hướng dẫn, nếu có phải chờ là chờ bố trí kinh phí. Nhưng một vài đơn vị vẫn cứ chờ Thông tư hướng dẫn (vì đây là Nghị định, đã là Nghị định ắt phải có Thông tư hướng dẫn). Không biết đến bao giờ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới cải cách hành chính để khắc phục tình trạng chờ văn bản hướng dẫn...