Khi nào áp dụng tình tiết “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân”?

Chủ đề   RSS   
  • #163541 07/02/2012

    giakhanh1809

    Male
    Sơ sinh

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:05/08/2011
    Tổng số bài viết (51)
    Số điểm: 490
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 19 lần


    Khi nào áp dụng tình tiết “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân”?

    Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 31-1-2012 đã phản ánh chuyện một nhóm thanh niên chặn đánh người gây thương tật 27%.

    VKS nhận định họ phạm tội có tính chất côn đồ, gây cố tật nhẹ cho nạn nhân nên truy tố theo khoản 2 Điều 104 BLHS nhưng tòa chỉ xử theo khoản 1 vì cho rằng họ không phạm vào hai tình tiết tăng nặng định khung trên. Riêng với tình tiết “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân”, tòa cho rằng theo hướng dẫn của TAND Tối cao thì chỉ xem là cố tật nhẹ khi tỉ lệ thương tật của nạn nhân dưới 11%...

    Tình tiết “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” vừa là dấu hiệu định tội theo khoản 1 vừa là dấu hiệu định khung hình phạt theo khoản 2, khoản 3 Điều 104 BLHS. Theo Nghị quyết 02 ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” là trường hợp “làm mất một bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm mất chức năng một bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm giảm chức năng hoạt động của một bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của nạn nhân mà tỉ lệ thương tật dưới 11%”.

    Trong y học, không có khái niệm “cố tật nặng” hay “cố tật nhẹ” mà chỉ có khái niệm “cố tật”, còn nặng hay nhẹ phụ thuộc vào tỉ lệ thương tật của “tật” đó. Điều 104 BLHS chỉ quy định trường hợp “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” chứ không quy định các trường hợp “gây cố tật nặng, rất nặng, đặc biệt nặng cho nạn nhân” nên Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không thể hướng dẫn các trường hợp này được.

    Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, vẫn có trường hợp nạn nhân có tỉ lệ thương tật dưới 31% nhưng bị cố tật thì có thể bị xét xử theo khoản 2 Điều 104 BLHS. Ngược lại, cũng có trường hợp tỉ lệ thương tật của nạn nhân trên 31% nhưng lại không bị cố tật gì.

    Trở lại một số vụ việc cụ thể mà báo nêu, nếu đúng là nạn nhân bị cố tật thì vẫn phải áp dụng khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 104 BLHS đối với bị cáo dù tỉ lệ thương tật của nạn nhân có hơn 11% đi chăng nữa.

    XEM CÁC TIN KHÁC

     
    7821 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #309230   13/02/2014

    danusa
    danusa
    Top 25
    Female
    Cao Đẳng

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:12/07/2008
    Tổng số bài viết (2776)
    Số điểm: 32598
    Cảm ơn: 943
    Được cảm ơn 1127 lần


    Bài viết của bạn cũng chưa đầy đủ cho lắm, nên xin trích dẫn đầy đủ bài phân tích của Thạc sĩ Đinh Văn Quế trên website toaan.gov.vn

    MỘT SỐ VẤN ĐỀ ÁP DỤNG TÌNH TIẾT “GÂY CỐ TẬT NHẸ CHO NẠN NHÂN” QUY ĐỊNH TẠI ĐIỂM B KHOẢN 1 ĐIỀU 104 BỘ LUẬT HÌNH SỰ
    -----------------------------------------------------
     
            Theo điểm B khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự thì nhà làm luật chỉ quy định “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân”, còn các khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của điều luật không quy định “gây cố tật, cố tật nặng, cố tật rất nặng và cố tật đặc biệt nặng”, mà chỉ quy định: “...nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này”. Ví dụ: khoản 2 Điều 104 quy định: “Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này”, tương tự như vậy, khoản 3 Điều 104 quy định: “Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người, hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này”
     
    Như vậy, nếu bị cáo gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% nhưng thuộc trường hợp quy định tại điểm B (gây cố tật nhẹ) thì bị áp dụng khoản 2 điều 104 Bộ luật hình sự; tương tự như vậy, nếu bị cáo gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm B (gây cố tật nhẹ) thì bị áp dụng khoản 3 điều 104 Bộ luật hình sự.
     
            Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 104 Bộ luật hình sự có nêu: Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân là làm mất một bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm mất chức năng một bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm giảm chức năng hoạt động của một bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của nạn nhân và đã lấy một số trường hợp trong. Bản quy định tiêu chuẩn thương tật (ban hành kèm theo Thông tư số 12/TTLB ngày 26-7-1995 của Liên Bộ Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội “quy định về tiêu chuẩn thương tật và tiêu chuẩn bệnh tật mới”) để làm ví dụ như: gây thương tích làm mất đốt ngoài (đốt 2) của ngón tay cái hoặc làm mất hai đốt ngoài (2+3) của ngón tay trỏ có tỷ lệ thương tật từ 8% đến 10%; gây thương tích làm cứng khớp các khớp liên đốt ngón tay giữa (III) ở tư thế bất lợi có tỷ lệ thương tật từ 7% đến 9%; gây thương tích làm một mắt giảm thị lực từ 4/10 đến 5/10, mắt kia bình thường có tỷ lệ thương tật từ 8% đến 10%; gây thương tích để lại sẹo to, xấu ở vùng trán, thái dương có tỷ lệ thương tật từ 6% đến 10%. Tất cả các ví dụ nêu trên nạn nhân đều có tỷ lệ thương tật dưới 10%.
     
            Có ý kiến cho rằng, Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn như vậy là trái pháp luật, vì: “Nếu thương tật của nạn nhân dưới 11%, bị cáo sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng này nhưng nếu thương tật của nạn nhân trên 11% thì bị cáo lại “thoát”. Điều vô lý này xuất phát từ hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao trong Nghị quyết 02 ngày 17-4-2003. Như vậy, hiểu theo hướng dẫn, chỉ được áp dụng tình tiết gây cố tật nhẹ cho nạn nhân nếu thương tật của nạn nhân dưới 11%”.[1]
     
              Theo quan điểm của tác giả thì hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về điểm B khoản 1 điều 104 Bộ luật hình sự không trái pháp luật vì điểm B khoản 1 điều 104 Bộ luật hình sự có quy định tình tiết “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” là tình tiết định tội trong trường hợp tỷ lệ thương tật của nạn nhân dưới 11%, nên Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn để Toà án các cấp hiểu và áp dụng thống nhất điểm B khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự.
     
    Từ hướng dẫn này, chúng ta có thể hiểu: Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân là trường hợp “làm mất một bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm mất chức năng một bộ phận cơ thể của nạn nhân; làm giảm chức năng hoạt động của một bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật dưới 10%. Còn các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 điều 104 Bộ luật hình sự Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chưa hướng dẫn. Hơn nữa Điều 104 Bộ luật hình sự chỉ quy định trường hợp “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” chứ không quy định các trường hợp “gây cố tật nặng, rất nặng, đặc biệt nặng cho nạn nhân” nên Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao cũng không thể hướng dẫn thế nào là trường hợp “gây cố tật nặng, rất nặng, đặc biệt nặng cho nạn nhân” được.
     
               Trong Y học, không có khái niệm “cố tật nặng hay có tật nhẹ” mà chỉ có khái niệm “cố tật” còn nặng hay nhẹ là phụ thuộc vào vào tỷ lệ thương tật của thương tích (tật) đó. Trước đây, khoản 3 Điều 109 Bộ luật hình sự năm 1985 cũng quy định: “phạm tội gây cố tật nặng” nhưng thế nào là “cố tật nặng” thì lúc đó không có hướng dẫn chính thức, nên thực tiễn xét xử cũng rất khó áp dụng.
     
    Trong các Hội nghị tổng kết, Chánh án Toà án nhân dân tối cao cũng chỉ đưa ra một số kết luận như: “được coi là cố tật nặng cho nạn nhân là trường hợp nạn nhân bị mất một bộ phận cơ thể, bị mất chức năng một bộ phận cơ thể... mà có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên. Ví dụ: nạn nhân bị cắt lá lách, bị khoét bỏ một con mắt, bị cắt một chân, bị cụt một tay.v.v...
     
     Bộ luật hình sự năm 1999 không còn quy định “phạm tội gây cố tật nặng” mà chủ yếu lấy tỷ lệ thương tật của nạn nhân làm dấu hiệu định tội và định khung hình phạt, nhưng lại quy định trường hợp nạn nhân có tỷ lệ thương tật dưới 10% mà bị “cố tật nhẹ” là dấu hiệu định tội theo khoản 1 Điều 104, đồng thời là dấu hiệu định khung hình phạt theo khoản 2, khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự. Chính quy định này của Điều 104 Bộ luật hình sự nên thực tiễn xét xử đã có nhiều trường hợp gây tranh cãi như Báo chí đã nêu. Nếu cứ theo quy định của khoản 2, khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự thì nạn nhân bị gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ  mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc từ 31% đến 60%, thậm chí từ 61% trở lên vẫn có trường hợp bị cố tật nhẹ.
     
    Ví dụ: A gây thương tích cho B nhiều vết thương có tỷ lệ thương tật là 25%, nhưng trong đó có vết thương làm cứng khớp các khớp liên đốt ngón tay giữa (III) ở tư thế bất lợi có tỷ lệ thương tật 9%, còn các vết thương khác  không gây cố tật có tỷ lệ thương tật 16%. Trường hợp này A bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự, ngược lại cũng có trường hợp tỷ lệ thương tật của nạn nhân trên 31% nhưng lại không bị cố tật, kể cả cố tật nhẹ. Tuy nhiên, thực tế thì nạn nhân có tỷ lệ thương tật càng cao thì thường để lại cố tật không phải là nhẹ mà nhiều trường hợp rất nặng.
     
             Vấn đề còn lại cần phải giải quyết và cũng là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau, đó là: vậy trong trường hợp nạn nhân bị “cố tật nặng” (có tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên), mà không thuộc trường hợp bị “cố tật nhẹ” có tỷ lệ thương tật dưới 11% thì áp dụng như thế nào ?
     
            Quan điểm thứ nhất cho rằng, khoản 2, khoản 3 điều 104 Bộ luật hình sự chỉ quy định nếu tỷ lệ thương tật của nạn nhân từ 11% đến 30%, nhưng thuộc trường hợp quy định tại điểm B khoản 1 (gây cố tật nhẹ cho nạn nhân) thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 104, còn nếu nạn nhân có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% nhưng thuộc trường hợp quy định tại điểm B khoản 1 (gây cố tật nhẹ cho nạn nhân) thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 104, nên trường hợp nạn nhân bị cố tật nặng thì người phạm tội sẽ “thoát”.
     
    Ví dụ: A dùng gậy đánh trúng mắt phải của B làm cho B phải khoét bỏ mắt phải có tỷ lệ thương tật là 45% thì A chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 điều 104 Bộ luật hình sự chứ không chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 điều 104 Bộ luật hình sự, vì cố tật của B không phải là cố tật nhẹ. Cách hiểu này, mới nghe có vẻ hợp lý vì điều luật chỉ quy định “gây cố tật nhẹ” mới bị “vượt khung” còn không phải “cố tật nhẹ” thì tỷ lệ thương tật ở khoản nào sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản đó. Theo cách hiểu này, thì nạn nhân bị cố tật nặng, người phạm tội có lợi hơn trường hợp nạn nhân bị cố tật nhẹ.
     
             Quan điểm thứ hai cho rằng, mặc dù điều luật chỉ quy định “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt nặng hơn, nhưng không vì thế mà cho rằng, trường hợp “gây cố tật nặng cho nạn nhân” thì người phạm tội “thoát”; nếu hiểu như quan điểm thứ nhất sẽ tạo ra sự không bình đẳng trong pháp luật, mặt khác cũng không phù hợp với thực tiễn xét xử và quan niệm chung của mọi người đó là: “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân” còn bị “áp dụng “vượt khung” huống hồ “gây cố tật nặng cho nạn nhân” lại không bị thì không thể chấp nhận được.
     
    Chúng tôi đồng tình với quan điểm này, bởi lẽ: Không chỉ đối với tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác" quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự, nhà làm luật chỉ quy định “mức thiệt hại nhẹ nhất” để làm dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt, mà trong Bộ luật hình sự còn nhiều tội phạm khác, nhà làm luật cũng quy định “mức thiệt hại thấp nhất” là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt nhưng không vì thế mà cho rằng các mức thiệt hại lớn hơn thì người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về thiệt hại đó.
     
    Ví dụ: Điều 128  về tội “Buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật”, nhà làm luật quy định: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt...” nhưng không vì thế mà cho rằng, phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì hành vi buộc người lao động, cán bộ, công chức thôi việc trái pháp luật không phải là hành vi phạm tội.
     
    Đối với tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” là yếu tố định khung hình phạt cũng vậy. Ví dụ:  Khoản 3 Điều 123 về tội “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” quy định: “Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”, nhưng không vì thế mà cho rằng, phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội không chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 điều 123 Bộ luật hình sự. Tương tự như vậy, Bộ luật hình sự còn rất nhiều điều khoản, nhà làm luật chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng là  yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt mà không quy định gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, như: khoản 2 Điều 124 tội “xâm phạm chỗ ở của công dân”; khoản 2 Điều 125 tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác”; khoản 2 Điều 126 tội “Xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân”; khoản 2 Điều 127 tội “Làm sai lệch kết quả bầu cử”; Điều 151 tội “Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình”; Điều 152 tội “Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng”.v.v...
     
             Tuy nhiên, về kỹ thuật lập pháp, nhà làm luật chỉ quy định tình tiết “gây cố tật  nhẹ cho nạn nhân” tại điểm B khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự, mà không quy định gây cố tật nặng, rất nặng, đặc biệt nặng cho nạn nhân rõ ràng có vấn đề không ổn, vì nếu nạn nhân bị cố tật và tật đó có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên thì không còn là cố tật nhẹ nữa. Ví dụ: bị khoét bỏ một con mắt, có tỷ lệ thương tật 45%, không thể nói nạn nhân bị cố tật nhẹ được. Việc nhà làm luật lấy các tình tiết quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 104 là dấu hiệu định khung hình phạt cho khoản 2, khoản 3 của điều luật là không phù hợp với thực tiễn xét xử, không công bằng và không khoa học, khó áp dụng gây nhiều tranh cãi không cần thiết. Lẽ ra, điểm B khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự chỉ cần quy định: “gây cố tật cho nạn nhân” là đủ, còn cố tật đó nặng, nhẹ như thế nào thì căn cứ vào tỷ lệ thương tật của thương tích đó. 
     
            Nhưng khi Bộ luật hình sự chưa được sửa đổi, bổ sung thì cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng không thể áp dụng khác được. Chúng ta chỉ có thể kiến nghị khi có chủ trương sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự thì đề nghị Quốc hội quan tâm xem xét.

     

     
    Báo quản trị |