Đối với trường hợp ba mất trước lúc con được sinh ra nhưng ba mẹ của con thì lại chưa kết hôn. Nhưng lúc làm giấy khai sinh thì cả 2 bên gia đình nội ngoại đều muốn có tên ba trong giấy khai sinh của bé thì nên thực hiện như thế nào.
Tại Điều 90 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định:
“Điều 90. Quyền nhận cha, mẹ
1. Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.
2. Con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ, không cần phải có sự đồng ý của cha.”
Như vậy, trong trường hợp muốn nhận cha kết hợp với làm giấy khai sinh cho con (kể cả trong trường hợp cha đã chết) thì người có yêu cầu chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Điều 12 Thông tư 15/2015/TT-BTP và các chứng cứ chứng minh quan hệ cha con theo quy định tại Điều 11 Thông tư này.
“Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.” (Khoản 2 Điều 25 Luật hộ tịch 2014)
Tuy nhiên, trên thực tế có một số cán bộ hộ tịch sẽ không chấp nhận với lý do không thể chứng minh được quan hệ cha con, trường hợp này người mẹ có thể làm giấy khai sinh (để trống tên cha) sau đó yêu cầu tòa án ra phán quyết cho đứa trẻ nhận cha. Sau khi có bản án, đem đến ủy ban để cải chính hộ tịch (thêm tên cha vào giấy khai sinh).
Trên đây là ý kiến cá nhân mình, mọi người có cách gì khác thì giúp mình với nhé. Cảm ơn cả nhà đã đọc bài.