Khái quát về quá trình và các hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đang tham gia? (Phần 1)

Chủ đề   RSS   
  • #611398 10/05/2024

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1446)
    Số điểm: 12229
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 211 lần


    Khái quát về quá trình và các hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đang tham gia? (Phần 1)

    Sau giai đoạn đổi mới năm 1986, nền kinh tế Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Từ đó, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao, kinh tế vĩ mô ổn định, thương mại phát triển và công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt được những thành tựu điển hình. Những thành tựu kinh tế nói trên là kết quả tất yếu đến từ việc Việt Nam đã ủng hộ việc tự do hóa thương mại gắn với hội nhập kinh tế toàn cầu. Cụ thể, việc Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương là một trong những điều kiện tất yếu không thể không nhắc đến. Tính đến đầu năm 2024, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng là 19 Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement- FTA) . Trong đó, 16 FTA đã ký kết và thực thi và 3 FTA đang đàm phán. Cụ thể:

    Thứ nhất, Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (ASEAN Free Trade Area – AFTA)

    Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) là một FTA giữa các nước trong khối ASEAN. AFTA được ký kết vào ngày 28/01/1992 tại Singapore. Ban đầu có 6 nước là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan (gọi chung là ASEAN-6). Theo kế hoạch ban đầu, AFTA được hoàn thành vào năm 2008 với mục đích cơ bản là "tăng cường khả năng cạnh tranh của ASEAN như một cơ sở quốc tế nhằm cung cấp hàng hóa ra thị trường thế giới". Tuy nhiên, trước sự phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ của các liên kết kinh tế toàn cầu khác, cũng như do sự tiến bộ của chính các quốc gia ASEAN, năm 1994, khối này quyết định đẩy nhanh thời hạn lên năm 2003. Sau đó, các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam tham gia AFTA khi được kết nạp vào ASEAN (trong đó, Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của AFTA từ năm 1995).

    Cơ chế chính để thực hiện AFTA là Hiệp định thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (Common Effective Preferential Tariff - CEPT). Về thực chất, CEPT là một thỏa thuận giữa các nước thành viên ASEAN về việc giảm thuế quan trong nội bộ khối xuống còn 0-5% thông qua những kế hoạch giảm thuế khác nhau. Trong vòng 5 năm sau khi đạt mức thuế ưu đãi cuối cùng, các nước thành viên sẽ tiến hành xóa bỏ các hạn ngạch nhập khẩu và những hàng rào phi quan thuế khác, hài hòa hóa thủ tục hải quan giữa các nước, thúc đẩy hội nhập kinh tế với các quốc gia khác trong khu vực và quốc tế.

    Với mục tiêu dỡ bỏ các rào cản để tạo điều kiện thuận lợi về lưu chuyển hàng hoá trong nội khối ASEAN, tại Hội nghị Hội đồng AFTA lần thứ 21 và Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 39, các nước ASEAN đã quyết định xây dựng một hiệp định điều chỉnh toàn diện tất cả các lĩnh vực về thương mại hàng hoá trong ASEAN. Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) được ký vào tháng 2/2009 và có hiệu lực từ ngày 17/5/2010, thay thế Hiệp định chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung để thực hiện Khu vực thương mại tự do ASEAN (CEPT/AFTA) đã ký năm 1992.

    Đối với Việt Nam, việc tham gia Hiệp định AFTA sẽ giúp đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tác động trực tiếp đến xuất khẩu và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hiệp định sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi Việt Nam sang một cơ chế kinh doanh cởi mở và tự do hơn. Đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế cùng với các nước ASEAN khác. Ngoài ra, Hiệp định tạo nên sự thu hút vốn đầu tư, mở rộng sự thâm nhập thị trường rộng lớn của các nước ASEAN với khoảng 500 triệu dân. Tạo sức ép cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá cả phù hợp. Giúp quá trình chuyển dịch cơ cấu có sự thay đổi, phát triển các ngành dịch vụ, thu hẹp các ngành nông nghiệp truyền thống.

    Thứ hai, Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA)

    Tháng 11/2002, ASEAN và Trung Quốc ký Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện nhằm định hướng cho việc hìnht hành một Khu vực mậu dịch tự do ASEAN -Trung Quốc (ACFTA). Hai bên tiếp tục đàm phán và ký kết các Hiệp định về Thương mại Hàng hóa (có hiệu lực từ tháng 7/2005), Hiệp định về Đầu tư (có hiệu lực từ tháng 02/2010). Tháng 11/2015, ASEAN và Trung Quốc ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định khung và các Hiệp định liên quan, trong đó có nhiều nội dung cam kết mới về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Nghị định này có hiệu lực từ tháng 5/2016.

    Đối với Việt Nam, đối tượng bảo hộ của ta trong ACFTA cũng khá tương đồng với các FTA khác.Từ năm 2010 đến 2015, tốc độ giảm thuế diễn ra nhanh hơn. Từ năm 2015 trở đi, cam kết trong ACFTA của ta hầu như tương đương với mức cam kết CEPT/AFTAsau những năm đầu triển khai các cam kết của ACFTA. Từ sau khi tham gia ACFTA, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có những bước phát triển rất đáng khích lệ.

    ACFTA mang lại cho Việt Nam cơ hội tiếp cận với một thị trường Trung Quốc khổng lồ. Tuy nhiên, muốn tận dụng được cơ hội này các doanh nghiệp Việt Nam cần phải biết chấp nhận cạnh tranh, phải học tập các doanh nghiệp Trung Quốc, hợp tác với họ trên từng công đoạn, từng khâu chế tác, từng phân khúc thị trường.

    Thứ ba, Hiệp đinh Thương mại Tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA)

    Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai mà ASEAN đàm phán Hiệp định thương mại tự do (sau Trung Quốc). Tiến trình này được bắt đầu vào năm 2004 khi các nhà Lãnh đạo ASEAN và Hàn Quốc ký Tuyên bố chung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện giữa ASEAN và Hàn Quốc, khẳng định mong muốn thiết lập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) bao gồm các lĩnh vực thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ và đầu tư. Năm 2005, ASEAN và Hàn Quốc ký Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện (Hiệp định khung). Trên cơ sở Hiệp định khung, hai bên tiếp tục ký kết 04 Hiệp định khác nhau, cụ thể: Hiệp định về Cơ chế Giải quyết Tranh chấp ASEAN – Hàn Quốc được ký kết năm 2005; Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN – Hàn Quốc (AKTIG) năm 2006; Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN – Hàn Quốc (AKTIS) được ký năm 2007; Hiệp định Đầu tư ASEAN – Hàn Quốc (AK-AI) được ký kết năm 2009. Từ đó, tạo nền tảng pháp lý hình thành Khu vực Thương mại Tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA).

    AKFTA đã tác động rất tích cực tới quan hệ thương mại ASEAN-Hàn Quốc. Có thể nói đây là Khu vực thương mại tự do đem lại lợi ích lớn nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam xét trên khía cạnh tận dụng các ưu đãi của Hiệp định. Bên cạnh các lợi ích về thu hút đầu tư và xuất khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cũng có điều kiện tiếp cận các nguồn nguyên liệu, máy móc, công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

    Thứ tư, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP)

    Tháng 4/2005, ASEAN và Nhật Bản bắt đầu đàm phán và kết quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (AJCEP) được ký kết vào tháng 4/2008, là một Hiệp định kinh tế toàn diện cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hợp tác kinh tế, có hiệu lực từ ngày 1/12/2008.

    Ngày 1/8/2020, Nghị định thư lần thứ nhất của hiệp định AJCEP có hiệu lực giữa Nhật Bản và 5 nước thành viên ASEAN. Nghị định thư bổ sung các điều khoản liên quan đến Thương mại Dịch vụ và tự do hóa và tạo thuận lợi cho Đầu tư. Hiệp định AJCEP là Hiệp định Đối tác Kinh tế đa phương đầu tiên của Nhật Bản (“EPA”).

    Đây là thoả thuận toàn diện trong nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hợp tác kinh tế. Hiệp định AJCEP cũng sẽ tăng cường các quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Nhật Bản và tạo ra một thị trường lớn hơn, hiệu quả hơn với nhiều cơ hội hơn trong khu vực. Theo đó, mục tiêu chính của hiệp định là tăng cường quan hệ đối tác kinh tế giữa Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN, Hiệp định AJCEP tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ giữa Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế.

    Cam kết cắt giảm thuế của Nhật Bản cho Việt Nam theo Hiệp định này: Tính tới thời điểm ngày 1/4/2015, Nhật Bản đã xóa bỏ thuế quan đối với 923 dòng các sản phẩm nông nghiệp từ Việt Nam. Đến năm 2019, sẽ có thêm 338 dòng thuế nông nghiệp khác sẽ được xóa bỏ thuế. Đối với các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam, phần lớn được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp dịnh có hiệu lực như linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị, điện thoại, máy vi tính, đồ điện gia dụng, sản phẩm nhựa, giấy...; Đến cuối lộ trình vào năm 2026, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 96,45% tổng số các dòng thuế đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam, tập trung chủ yếu ở các nhóm nông sản, thủy sản, hàng dệt may, giầy dép, đồ gỗ, linh kiện điện tử...

    (Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập; và các nguồn sưu tập có liên quan)

     
    1805 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận