CPTPP là tên viết tắt của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership). Đây là Hiệp định thương mại tư do (FTA) thế hệ mới, đặt ra tiêu chuẩn cao đối với các hoạt động trao đổi thương mại trong khu vưc và được kỳ vọng sẽ là các tiêu chuẩn điều tiết thương mại thế giới. Cụ thể, ngoài các thỏa thuận về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ thông thường như trong các “FTA truyền thống”, CPTPP còn thể hiện mức độ cam kết sâu rộng giữa các quốc gia thành viên, trong đó bao hàm cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, phát triển bền vững quản trị tốt, minh bạch hóa,... và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các quốc gia thành viên, tạo thêm nhiều việc làm, giúp xoá đói giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy sáng tạo và sức cạnh tranh, thúc đẩy minh bạch hóa và quản trị tốt, đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trương trên phạm vi mở rộng.
Hiệp định CPTPP được kỳ vọng sẽ là một FTA thế hệ mới và được thành lập vì một số lý do sau đây: (i) Thứ nhất, CPTPP được kỳ vọng sẽ xử lý hiệu quả các vấn đề mới mà Thế kỷ 21 đang phải đối mặt như bảo vệ môi trường, bảo đảm tiêu chuẩn lao động, tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước v.v.. Những vấn đề này chưa được xử lý trong các FTA truyền thống; (ii) Thứ hai, CPTPP được kỳ vọng sẽ tạo thêm lực đẩy cho hoạt động trao đổi thương mại – đầu tư trong khu vực và trên thế giới; (iii) Thứ ba, CPTPP được kỳ vọng sẽ trở thành hạt nhân cho một FTA được hình thành bao trùm toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương và có thể mở rộng hơn nữa trong tương lai; (iv) Thứ tư, CPTPP được kỳ vọng là cách đi ngắn nhất để đạt lợi ích cao nhất trong đàm phán FTA. Với CPTPP, một nước có thể cùng lúc thiết lập quan hệ FTA với nhiều nước khác, giúp tiết kiệm tối đa thời gian và nguồn lực đàm phán trong khi vẫn đảm bảo được hiệu quả tương tự; (v) Thứ năm, CPTPP được kỳ vọng sẽ có tác động trở lại Vòng đàm phán Đô-ha trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Vòng đàm phán này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn và phải đối mặt với nguy cơ bị hủy bỏ; (vi) Thứ sáu, CPTPP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, v.v..
CPTPP hiện nay bao gồm 11 thành viên ký kết là Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của 11 nước thuộc Hiệp định CPTPP và Hoa Kỳ. Trong tiến trình đàm phán, vào tháng 2 năm 2016, Bộ trưởng của 12 nước tham gia Hiệp định TPP đã tham dư Lễ ký để xác thực lời văn TPP tại thành phố Auckland, New Zealand. Tuy nhiên, ngày 30 tháng 01 năm 2017, Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi Hiệp định TPP. Trước sự kiện này, các nước còn lại đã tích cực nghiên cứu, trao đổi nhằm thống nhất lại các nội dung cốt lỗi của Hiệp định để phù hợp với bối cảnh mới. Tháng 11 năm 2017, tại Đà Nẵng, Việt Nam, 11 nước còn lại đã thống nhất đổi tên Hiệp định TPP thành Hiệp định CPTPP. Ngày 03 tháng 08 năm 2018, Hiệp định được ký kết tại thành phố Santiago (Chile) và chính thức có hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 2018 đối với nhóm 06 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Úc. Đối với Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan vào ngày 12 tháng 11 năm 2018. Theo đó, Hiệp định chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14 tháng 01 năm 2019.
Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP gồm 30 chương và 09 phụ lục, nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ (11 nghĩa vụ liên quan đến Chương Sở hữu trí tuệ, 02 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 07 nghĩa vụ còn lại liên quan đến 7 Chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh Bạch Hóa và chống tham nhũng). Việc tạm hoãn này để giúp bảo đảm sư cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của 11 nước thành viên còn lại khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP. Mặc dù các nhóm nghĩa vụ trên được tạm hoãn, nhưng về tổng thể, Hiệp định CPTTP vẫn được đánh giá là một FTA chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, các nước thành viên CPTPP cũng ký với nhau một số cam kết, thỏa thuận song phương dưới hình thức các thư, thư trao đổi và bản ghi nhớ liên quan đến các nội dung thuộc quan tâm riêng của mình theo hướng được phép có những linh hoạt hoặc một khoảng thời gian chuyển đổi nhất định để thực thi một số cam kết của Hiệp định.
Hiệp định CPTPP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn trên thế giới với tổng giá trị GDP khoảng 10.567 tỷ USD (chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu) và bao trùm thị trường rộng lớn trải rộng trên nhiều châu lục. Đối với Việt Nam, do tác động của cắt giảm thuế quan, CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,7% vào năm 2035 so với năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng bình quân 4,32%/năm và thị trường xuất khẩu được đa dạng hơn. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt 311,1 tỷ USD (năm 2030) so với mức ước tính 179,5 tỷ USD (năm 2017). CPTPP tạo thêm 20.000 - 26.000 việc làm/năm. Tham gia CPTPP sẽ mở ra dư địa mới cho Việt Nam trong gia tăng thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Dịch vụ và đầu tư sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cũng sẽ tạo ra những áp lực cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài, thách thức về ổn định lao động - xã hội, thách thức về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế.
Việc tham gia vào các sân chơi lớn thông qua các FTA thế hệ mới nói chung và CPTPP nói riêng sẽ đem lại cho nước ta nhiều cơ hội hội nhập và phát triển sâu rộng ở tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra không ít thử thách đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, trong đó có việc đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống pháp luật về thương mại để phù hợp với bối cảnh mới. Và như đã đề cập, là một FTA thế hệ mới, đặt ra tiêu chuẩn cao mà Việt Nam sẽ tham gia vào, Hiệp định CPTPP có tác động trực tiếp tới nhiều chế định pháp luật nội địa của Việt Nam, đặc biệt là pháp luật thương mại. Do đó, khác với nhiều FTA trước đây, công tác sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định pháp luật nội địa nhằm bảo đảm tương thích với cam kết là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình thực thi Hiệp định này. Và trên thực tế, có thể nói CPTPP là hiệp định đầu tiên sau WTO đòi hỏi Việt Nam phải triển khai các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi cam kết ở phạm vi rộng như vậy.