Luật Hồi giáo và pháp luật ở các nước Hồi giáo có rất nhiều điểm khác biệt với các hệ thống pháp luật thế giới khác. Hai yếu tố cơ bản, tiên quyết để xác định một quốc gia thuộc hệ thống luật Hồi giáo bao gồm: Đạo Hồi là quốc đạo của quốc gia, quốc gia lấy các quy định trong Kinh Thánh của Đạo Hồi làm luật. Chính vì vậy mà Thổ Nhĩ Kỳ, dù là nước có Đạo Hồi là quốc đạo, nhưng vẫn là quốc gia thuộc hệ thống Châu Âu lục địa vì ở quốc gia này Đạo Hồi chỉ được coi là tôn giáo chứ không phải là luật.[1]
1. Nguồn gốc pháp luật
Luật Hồi giáo (Moslem law hay Islamic law) trong tiếng Ảrập gọi là Shari'ah (con đường đúng) là một hệ thống các quy định tôn giáo[2] và trong một chừng mực nhất định có khi trở thành các quy phạm pháp luật. Tuy nhiên các quy định này hoàn toàn độc lập, không chịu sự chi phối của của bất kỳ Nhà nước nào và trên thực tế nó không tạo thành các quy phạm pháp luật theo nghĩa của thuật ngữ này.[3]
Luật Shari'ah điều chỉnh, đưa ra nguyên tắc và quy định hành vi của người dân, hoạt động của các cơ quan tổ chức, đưa ra các quy phạm để áp dụng trong đời sống của một con người: ăn kiêng, nuôi dạy con cái, các nguyên tắc dành cho người tu hành, việc bố thí cho người nghèo và những vấn đề tôn giáo khác. Bên cạnh đó, Luật Shari'ah cũng được sử dụng như những hướng dẫn đối với hoạt động của con người trong xã hội cũng như sự tương tác qua lại giữa các dân tộc. Ở phạm vi rộng hơn, nó được dùng để giải quyết những tranh chấp, xung đột quốc tế và vấn đề chiến tranh. Do đó, nguồn luật của Luật Hồi giáo cũng chính là các thành tố của Luật Shari'ah. Luật này bao gồm 4 thành tố: Kinh Qu'ran (kinh Koran), kinh Sunna, Idjmá và Qiyás.[4] Trong đó, kinh Qu'ran là nguồn luật cao nhất và chứa những quy định mang giá trị chung thẩm khi được áp dụng[5]. Nhìn chung, kinh Qu'ran chỉ giải quyết những nguyên tắc lớn về pháp luật, những vấn đề cốt yếu về tôn giáo và đi sâu vào chi tiết trong một số trường hợp. Chính vì vậy, Kinh Sunna ra đời và được coi là nguồn bổ trợ đóng vai trò quan trọng thứ hai sau Kinh Qu'ran. Thành tố thứ ba của Luật Hồi giáo là Idjmá lại được ra đời trên cơ sở sự thống nhất về quan điểm pháp luật của các học giả pháp lý Đạo Hồi. Dựa vào Idjmá, các thẩm phán có thể tìm kiếm các giải pháp khả thi để áp dụng trong xã hội hiện đại và cũng được quyền tự do sáng tạo phương pháp mới để giải quyết các vấn đề tội phạm hay xã hội. Nói cách khác, thẩm phán có quyền quyết định rất lớn trong việc áp dụng quan điểm nào trong Idjma để giải quyết một vụ việc cụ thể bất kỳ.[6] Về thành tố thứ 4 - Qyias, là án lệ được tuyên bởi thẩm phán cấp cao[7], các thẩm phán có thể sử dụng tiền lệ pháp đó để giải quyết một vụ việc mới phát sinh sau này mà hướng giải quyết vụ việc đó chưa được đề cập, trên cơ sở lý lẽ và logic để sáng tạo ra án lệ. Trong 4 nguồn luật nói trên thì Qu'ran và Sunna là nguồn luật chính còn Idjmá và Quiyas là nguồn phụ.
2. Hình thức pháp luật
Theo quan điểm của nhóm nghiên cứu, vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định hệ thống pháp luật Hồi giáo có hình thức pháp luật thành văn, bất thành văn hay "tôn giáo pháp"? Bởi lẽ, luật Hồi giáo được thể hiện trong các bản Kinh thánh và được nhà nước của quốc gia Hồi giáo công nhận, áp dụng. Trên thực tế, những nước xem đạo Hồi là pháp luật, ranh giới phân biệt giữa Kinh Thánh của Hồi giáo và pháp luật của nhà nước thường không rõ ràng. Việc xâm hại đến một “câu thơ” trong Kinh Thánh cũng đồng thời với việc vi phạm quy định của nhà nước: vi phạm pháp luật[8] (biểu hiện của "Tôn giáo pháp"). Đồng thời, bên cạnh nguồn luật mang tính tôn giáo, ở các nước theo Luật Hồi giáo có tồn tại nguồn luật là các văn bản pháp luật (cũng giống như việc có tồn tại án lệ). Nhưng đây là sự chuyển hóa những quan điểm pháp luật, ý kiến pháp luật được thống nhất bởi các học giả pháp lý Đạo Hồi vào các văn bản pháp luật.[9] Hơn hết, đây chỉ là nguồn bổ trợ đứng sau Kinh Thánh
3. Vai trò lập pháp của cơ quan tư pháp
Như đã trình bày ở trên, Luật Hồi giáo không phải hệ thống pháp luật gắn liền với nhà nước. Những người trung thành với đạo Hồi cho rằng Luật Hồi giáo là bất diệt không bao giờ thay đổi, đây là loại hình pháp luật cuối cùng, hoàn thiện nhất và trong tương lai toàn thể nhân loại sẽ thừa nhận và tuân thủ nó. Một số quốc gia Hồi giáo trong bộ máy nhà nước chỉ có hai nhánh: hành pháp và tư pháp, không có Nghị viện lập pháp. Ở những nước này, quan niệm chỉ có đấng Allah mới có quyền làm ra luật để quy định cách ứng xử của dân chúng trong xã hội. Theo quan điểm này, các văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành không thể làm thay đổi luật hồi giáo mà chỉ có thể điều chỉnh những chi tiết mà luật Hồi giáo chưa cụ thể hóa hoặc còn bỏ trống. Tức là Nhà nước chỉ là thứ cấp bên cạnh tôn giáo và đơn giản chỉ là công cụ để thực hiện các quy tắc tôn giáo (đối với nước xem Đạo Hồi và Nhà nước là một). Tuy vậy, các thẩm phán cũng được quyền tự do sáng tạo phương pháp mới để giải quyết các vấn đề tội phạm hay xã hội nên có quyền quyết định rất lớn trong việc áp dụng quan điểm nào trong Idjmá để giải quyết một vụ việc. Và các thẩm phán còn có thể sử dụng tiền lệ pháp để giải quyết một vụ việc mới phát sinh trên cơ sở lý lẽ và logic để sáng tạo ra án lệ.
4. Mối tương quan giữa luật nội dung và luật hình thức
Luật Hồi giáo thể hiện ý chí của Thượng đế chứ không phải ý chí của nhà nước nên nó điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Khó có thể phân biệt giữa quy định pháp luật và các quy định về tôn giáo, vì người Hồi giáo cho rằng pháp luật và tôn giáo là một[10]. Về luật hình thức thì không được đề cập nhiều đến do bản chất của Luật Hồi giáo là ý chí của Thượng đế, xuất phát từ kinh thánh mà các tín đồ Hồi giáo tin và làm theo, thể hiện mệnh lệnh của đấng tối cao chứ không phải là quyền lực của nhà nước.
5. Vấn đề phân chia luật công và luật tư
Hệ thống pháp luật Hồi giáo là một hệ thống pháp luật được nâng lên từ tôn giáo và đạo đức cho nên quy phạm của nó được xem là chế định duy nhất điều chỉnh toàn bộ xã hội. Luật Hồi giáo thể hiện ý chí của Thượng đế chứ không phải ý chí của Nhà nước nên nó điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội chứ không chỉ điều chỉnh những vấn đề mà Nhà nước quan tâm. Chính trị thần quyền bao trùm các vấn đề mang tính chất công tư. Trước hết ở các lĩnh vực truyền thống như gia đình, thừa kế và hình sự (trong một chừng mực nhất định), có phần yếu hơn trong lĩnh vực luật hợp đồng, luật sở hữu. Đạo Hồi còn can thiệp vào cả những lĩnh vực mà hầu hết các quốc gia khác cho rằng hoàn toàn không thuộc sự điều chỉnh của pháp luật: thời điểm thích hợp cho việc cầu nguyện, giờ giấc đánh răng.[11]
6. Mức độ và trình độ pháp điển hóa
Do ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản và tư tưởng của các HTPL khác từ thế kỷ XIX đến nay, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá, ngày nay nhiều quốc gia Hồi giáo đã đổi mới HTPL của mình. Trong các nước Hồi giáo xuất hiện ba xu hướng phát triển:
-
Phương Tây hoá pháp luật, tiếp nhận các chế định pháp luật tiên tiến của phương Tây như chế độ hôn nhân một vợ một chồng và thiết lập chế độ bình đẳng giới; xây dựng bộ máy nhà nước theo nguyên tắc phân quyền, tổ chức hệ thống toà án phi tôn giáo, tư tưởng pháp luật thoát khỏi tư tưởng tôn giáo.
-
Pháp điển hoá pháp luật, xây dựng nhiều bộ luật như hình sự, dân sự, thương mại, tố tụng hình sự và dân sự theo mô hình của các nước phương Tây kết hợp với việc phát huy các truyền thống văn hoá của dân tộc.
-
Loại bỏ dần các quy định cổ hủ, lạc hậu nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện quyền bình đẳng nam nữ, bảo vệ các quyền công dân và quyền con người, xây dựng nhà nước pháp quyền.
(Nguồn: Tổng hợp)
[1] Đỗ Thị Mai Hạnh (2006), “Bản chất và nguồn của Luật Hồi giáo”, Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 03, tr. 54.
[2] Michael Bogdan (1994), Comparative Law, Kluwer Norstedts Juridik Tano, (bản dịch của Lê Hồng Hạnh và Dương Thị Hiền), tr. 174.
[3] Michael Bogdan (1994), Comparative Law, Kluwer Norstedts Juridik Tano, (bản dịch của Lê Hồng Hạnh và Dương Thị Hiền), tr. 174.
[4] Đỗ Thị Mai Hạnh (2006), “Bản chất và nguồn của Luật Hồi giáo”, Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 03, tr. 55-56.
[5] Đỗ Thị Mai Hạnh (2006), “Bản chất và nguồn của Luật Hồi giáo”, Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 03, tr. 56
[6] Đỗ Thị Mai Hạnh (2006), “Bản chất và nguồn của Luật Hồi giáo”, Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 03, tr. 56.
[7] Đỗ Thị Mai Hạnh (2006), “Bản chất và nguồn của Luật Hồi giáo”, Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 03, tr. 56
[8] http://vnclp.gov.vn/ct/cms/tintuc/Lists/kinhnghiemqt/View_Detail.aspx?ItemID=77.
[9] Đỗ Thị Mai Hạnh (2006), “Bản chất và nguồn của Luật Hồi giáo”, Tạp chí Khoa học pháp lý, Số 03, tr. 57.
[10] Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật So sánh, NXB CAND (2012), tr.134.
[11] Michael Bogdan (1994), Comparative Law, Kluwer Norstedts Juridik Tano, (bản dịch của Lê Hồng Hạnh và Dương Thị Hiền), tr. 174.