Khác biệt về “Người đại diện theo pháp luật” giữa Bộ luật dân sự 2015 và Luật Doanh nghiệp 2014

Chủ đề   RSS   
  • #493482 03/06/2018

    lanbkd
    Top 150
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/08/2017
    Tổng số bài viết (518)
    Số điểm: 8260
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 490 lần


    Khác biệt về “Người đại diện theo pháp luật” giữa Bộ luật dân sự 2015 và Luật Doanh nghiệp 2014

    Trong nhiều trường hợp, pháp luật quy định một chủ thể nào đó không thể trực tiếp xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà phải thông qua hành vi của người khác - người đại diện theo pháp luật để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể được đại diện. Có thể thấy, đại diện được xem là một trong những chế định có vai trò vô cùng quan trọng, chính vì thế mà Bộ luật dân sự 2015 đã dành riêng một chương (Chương IX) để điều chỉnh. Bộ luật dân sự trước giờ vẫn thường được mọi người gọi với cái tên thân thuộc là “luật chung”, điều chỉnh các quan hệ dân sự trên hai vấn đề chính là: nhân thân và tài sản. Khi đi sâu vào chế định đại diện, do tính chất riêng biệt và đặc thù mà một số luật chuyên ngành sẽ có thể có sự khác biệt nhất định nào đó quy định đối với vấn đề này để đảm bảo phù hợp với phạm vi của từng lĩnh vực. Đặc biệt, chúng ta phải kể đến pháp luật doanh nghiệp, cụ thể là Luật Doanh nghiệp 2014 hiện hành. Khoản 1 Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:

    Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật

    Với quy định trên, chúng ta có thể thấy “người đại diện theo pháp luật” chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong doanh nghiệp, sẽ nhân danh và vì lợi ích của doanh nghiệp xác lập, thực hiện các giao dịch với các chủ thể trong doanh nghiệp (các thành viên, cổ đông góp vốn) hoặc với các chủ thể khác bên ngoài doanh nghiệp (đối tác, khách hàng, cơ quan quản lý nhà nước...). Hay nói cách khác, người đại diện theo pháp luật trong doanh nghiệp chính là là người giữ chức vụ lãnh đạo điều hành doanh nghiệp, nhân danh công ty trong việc xác lập các giao dịch dân sự, đại điện công ty.

    Chính vì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp giữ vị trí và vai trò vô cùng quan trọng như trên nên chế định về người đại diện giữa Bộ luật dân sự 2015Luật Doanh nghiệp 2014 có một số điểm khác biệt dưới đây:

    TIÊU CHÍ

    BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015

    LUẬT DOANH NGHIỆP 2014

    Nơi cư trú của người đại diện theo pháp luật

    Không có quy định nào bắt buộc người đại diện theo pháp luật phải cư trú tại Việt Nam. Do đó, trên tinh thần công dân được làm những gì pháp luật không cấm thì không loại trừ việc có thể xảy ra trường hợp người đại diện theo pháp luật không cư trú tại Việt Nam.

    -Trường hợp nhiều người đại diện theo pháp luật: Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam.

    -Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật: thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam.

    Phạm vi trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật khi ủy quyền cho chủ thể khác

     

    Người đại diện chỉ bị giới hạn trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ trong phạm vi được ủy quyền, trừ một số trường hợp sau đây:

    a) Người được đại diện (người ủy quyền) đồng ý;

    b) Người được đại diện biết (người ủy quyền) mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;

    c) Người được đại diện (người ủy quyền) có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.

     

    Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

    ->Quy định trên cho thấy, ngay cả khi ủy quyền người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người được ủy quyền.

    Có sự khác biệt lớn giữa chế định ủy quyền trong Bộ luật dân sự 2015 và Luật Doanh nghiệp 2014, bởi vì theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 thì không giới hạn trách nhiệm của người ủy quyền, điều đó đồng nghĩa với việc người đại diện theo pháp luật (người đã ủy quyền) vẫn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với những hành vi mà người được ủy quyền thực hiện với bên thứ ba mà không phân biệt trong hay ngoài phạm vi đại diện. Có thể lý giải, xuất phát từ lợi ích của bên thứ ba nên giao dịch dân sự do người được ủy quyền cho dù kể cả vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp vẫn không thoát khỏi trách nhiệm. Việc không giới hạn trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của bên tham gia giao dịch với doanh nghiệp.

    Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì người ủy quyền chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi mà mình đã ủy quyền, còn trường hợp vượt ngoài phạm vi ủy quyền thì người ủy quyền không phải chịu trách nhiệm (trừ một số trường hợp ngoại lệ mình đã nêu ở trên).

    Thời hạn đại diện

    Quan hệ đại diện theo ủy quyền chấm dứt khi:

    - Khi cá nhân ủy quyền chết;

    - Khi  hết thời hạn ủy quyền

    - Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam: Khi hết thời hạn ủy quyền mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây:

    + TH1: Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp;

    + TH2: Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

    -Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

    Đã tồn tại sự khác biệt về thời hạn ủy quyền, theo quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015 thì việc ủy quyền sẽ chấm dứt khi thời hạn ủy quyền đã hết, người đại diện là cá nhân chết. Trong khi đó, chế định ủy quyền trong Luật doanh nghiệp 2014 cho phép người được ủy quyền đại diện làm người đại diện theo pháp luật vẫn tiếp tục thực hiện công việc được ủy quyền ngay cả khi hết thời hạn ủy quyền mà người đại diện theo pháp luật của công ty chưa trở về hoặc người đại diện theo pháp luật của công ty chết, cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty.

    Như vậy, có thể thấy chế định đại diện giữa Bộ luật dân sự 2015Luật Doanh nghiệp 2014 đã tồn tại một số điểm khác nhau cơ bản. Có thể lý giải được xuất phát điểm của sự khác biệt đó là bởi những đặc thù của người đại diện theo pháp luật tại doanh nghiệp: họ giữ vị trí then chốt, có quyền nhân danh doanh nghiệp thực hiện những công việc quan trọng, những công việc mang tính chất quyết định của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự tồn vong của doanh nghiệp. Do dó, cần có một người luôn hiện diện, sẵn sàng giải quyết những vấn đề phát sinh một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Ngoài ra, với một vai trò hết sức quan trọng như trên nên nếu trường hợp phải xuất cảnh thì buộc người ủy quyền phải cân nhắc hết sức thận trọng trọng việc lựa chọn người thay thế mình làm người đại diện theo ủy quyền.

    Cập nhật bởi lanbkd ngày 03/06/2018 02:43:40 CH Cập nhật bởi lanbkd ngày 03/06/2018 02:42:12 CH
     
    2825 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận