Khác biệt về GIÁ TRỊ PHÁP LÝ giữa giám định trong và ngoài tố tụng

Chủ đề   RSS   
  • #507925 18/11/2018

    lanbkd
    Top 150
    Female
    Lớp 6

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:23/08/2017
    Tổng số bài viết (518)
    Số điểm: 8260
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 490 lần


    Khác biệt về GIÁ TRỊ PHÁP LÝ giữa giám định trong và ngoài tố tụng

    Giám định tư pháp (giám định tố tụng) là gì?

    Theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012:

    “Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này”.

    Dựa vào định nghĩa trên, một hoạt động giám định sẽ được xem là hoạt động giám định tư pháp khi đáp ứng đầy đủ cả 03 điều kiện sau đây:

    (1) Điều kiện 1: Chủ thể tiến hành hoạt động giám định

    Phải là giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. (tức chủ thể giám định theo luật định;

     (2) Điều kiện 2: Đối tượng cần giám định

    Phải có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, có liên quan đến giải quyết vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ án hành chính do cơ quan tiến hành tố tụng đang giải quyết;

    (3) Điều kiện 3: Chủ thể yêu cầu

    Giám định theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định. Trong đó:

    + Người trưng cầu giám định bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

    + Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

    Nói tóm lại, giám định tư pháp phải do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định phải hoặc cá nhân khác yêu cầu giám định trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng từ chối bằng văn bản về việc yêu cầu giám định của họ

     

    Giám định ngoài tố tụng là gì?

    Khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP có quy định:

    “Tổ chức giám định tư pháp công lập thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu của người trưng cầu giám định, yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012 và thực hiện dịch vụ giám định ngoài tố tụng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức”.

    Từ quy định trên, chúng ta rút ra điểm khác biệt duy nhất giữa giám định tố tụng và giám định ngoài tố tụng đó là ở điều kiện thứ ba (chủ thể yêu cầu giám định):

    + Giám định tố tụng:  (Như trên)

    + Giám định ngoài tố tụng: Khi cơ quan tiến hành giám định tiếp nhận yêu cầu giám định của các cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải  theo trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc người tiến hành tố tụng  yêu cầu trung cầu giám định và cũng không phải theo yêu cầu giám định (người yêu cầu giám định theo định nghĩa luật định mình đã đề cập ở trên) thì hoạt động giám định đó không phải là hoạt động giám định tư pháp, mặc dù hoạt động đó vẫn do giám định viên thực hiện theo cùng một quy trình giám định với những trang thiết bị kỹ thuật không có gì khác so với hoạt động giám định tư pháp.

     

    Giá trị của kết luận giám định từ “giám định tố tụng” và “giám định ngoài tố tụng”

    Theo quy định pháp luật hiện hành, kết luận giám định chỉ được xem là chứng cứ chứng minh trước tòa khi đó là kết luận của hoạt động giám định tư pháp (hay còn gọi là giám định tố tụng). Cụ thể, khẳng định trên được ghi nhận dựa vào các quy định tại Điều 205, 207 Bộ luật tố tụng hình sự 2015; Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 với nội dung: Hiện nay luật chỉ công nhận tiến hành giám định tư pháp để thu thập chứng cứ giải quyết vụ án khi có trưng cầu giám định hoặc yêu cầu giám định (khi Tòa án không thực hiện trưng cầu giám định).

    Các quy định trên gián tiếp khẳng định đối với những kết luận giám định phát sinh không từ hoạt động giám định tư pháp, mặc dù đều do cùng một cơ quan giám định thực hiện nhưng sẽ không trở thành chứng cứ chứng minh trước tòa.

    Như vậy, mặc dù giá trị khoa học của bản kết luận giám định theo trình tự thủ tục giám định trong tố tụng hoặc giám định ngoài tố tụng đều là như nhau, giữa chúng không có sự khác biệt. Tuy nhiên, “giá trị pháp lý” đối với bản kết luận giám định do cùng một tổ chức giám định thực hiện có sự khác nhau:

    +  Nếu bản kết luận giám định là sản phẩm của hoạt động giám định tư pháp thì kết luận đó gọi là kết luận giám định tư pháp và có giá trị sử dụng làm chứng cứ chứng minh trước tòa.

    + Nếu kết luận giám định là sản phẩm của hoạt động dịch vụ giám định ngoài tố tụng thì kết luận đó không phải là kết luận giám định tư pháp, không có giá trị sử dụng làm chứng cứ chứng minh trước tòa mà chỉ có giá trị tham khảo.

    Dường như quy định này đã dẫn đến tình trạng lãng phí, tốn kém trong một số trường hợp. Ví dụ như: khi thụ lý cơ quan tiến hành tố tụng không sử dụng kết luận giám định trước đó khi các tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định ngoài tố tụng mà cơ quan tiến hành tố tụng lại tiếp tục ra quyết định trưng cầu giám định về cùng một đối tượng đã được tổ chức, cá nhân giám định trước đó, mặc dù vẫn biết trước kết quả giám định không có gì thay đổi.

     

    Cập nhật bởi lanbkd ngày 18/11/2018 02:20:35 SA
     
    2834 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận