Bảo hiểm xã hội Việt Nam có Công văn 479/BHXH-TST ngày 24/02/2023 về việc tăng cường thực hiện giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN năm 2023.
Cụ thể, cuối năm 2022 tỷ lệ chậm đóng của các đơn vị tham gia chỉ chiếm 2,91% trên số phải thu, đây là tỷ lệ chậm đóng thấp nhất từ trước đến nay.
Theo đó, Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, phấn đấu giảm số tiền chậm đóng BHXH xuống mức thấp nhất, BHXH Việt Nam yêu cầu Giám đốc BHXH các tỉnh tiếp tục triển khai một số nội dung sau:
(1) Đối với Bảo hiểm xã hội tỉnh
* Thông báo kết quả đóng BHXH đến doanh nghiệp
Hàng tháng thực hiện việc thông tin, thông báo kết quả đóng BHXH tới đơn vị sử dụng lao động và người lao động để đơn vị biết và đóng BHXH đầy đủ, kịp thời.
- Trường hợp đơn vị chậm đóng từ 01 tháng đến dưới 03 tháng, gửi thông báo đôn đốc. Nếu đơn vị không đóng tiền thì lập Biên bản hành vi vi phạm.
- Đối với đơn vị chậm đóng từ 03 tháng trở lên tổ chức thanh tra chuyên ngành đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền nếu đơn vị không thực hiện kết luận thanh tra.
- Báo cáo Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT của tỉnh về tình trạng chậm đóng BHXH của các đơn vị trên địa bàn; chủ động đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ thu nợ liên ngành và xử lý nghiêm đơn vị vi phạm việc đóng BHXH.
- Lập danh sách đơn vị đã đôn đốc nộp tiền chậm đóng hoặc đã thanh tra đột xuất và vi phạm hành chính nhưng cố tình không đóng BHXH để thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và Trung ương.
* Liên kết, phổ biến về BHXH cho doanh nghiệp trên địa bàn
Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp để phổ biến các quy định, chính sách mới, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Đôn đốc đơn vị đóng BHXH kịp thời, không để phát sinh số tiền chậm đóng mới. Phối hợp với công đoàn cơ sở, doanh nghiệp vận động NLĐ cài đặt ứng dụng VssID - BHXH.
* Xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của cơ quan BHXH
Xây dựng kế hoạch cụ thể theo tuần, tháng đối với lãnh đạo và các phòng chức năng liên quan, giao trách nhiệm cho lãnh đạo, cán bộ chuyên quản làm việc, nắm bắt, xử lý thông tin, đôn đốc doanh nghiệp đóng BHXH, BHYT, BHTN kịp thời.
Xem đây là tiêu chí để đánh giá, chấm điểm thi đua, khen thưởng của tập thể, cá nhân hàng quý và cả năm.
(2) Đối với các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam
* Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ
Đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện của BHXH các tỉnh, hàng tháng báo cáo Tổng Giám đốc những địa phương không thực hiện tốt các quy định dẫn đến tăng số tiền chậm đóng BHXH và yêu cầu Giám đốc BHXH tỉnh trực tiếp giải trình.
* Vụ Thanh tra - Kiểm tra
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra, đôn đốc BHXH tỉnh tổ chức các cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN đột xuất theo quy định.
* Trung tâm Truyền thông
- Phối hợp với BHXH các tỉnh đăng tải thông tin của các đơn vị chậm đóng, trốn đóng, đơn vị cố tình vi phạm pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Hướng dẫn BHXH các tỉnh tuyên truyền pháp luật về BHXH trong đó linh hoạt, đa dạng các hình thức tuyên truyền trên mạng xã hội, báo, tạp chí...
* Trung tâm Công nghệ thông tin
Hoàn thiện các chức năng phần mềm đáp ứng việc quản lý, cập nhật theo thời gian, số tiền chậm đóng và trạng thái của từng người lao động tại các đơn vị chậm đóng.
* Trung tâm Chăm sóc khách hàng:
Tăng cường hướng dẫn và kiểm tra các địa phương thực hiện hoàn thành kế hoạch cài đặt ứng dụng BHXH số VssID - trên nền tảng thiết bị di động cho người lao động, người dân.
Trong quá trình thực hiện, nếu người dân, doanh nghiệp có vướng mắc, phản ánh về BHXH Việt Nam (qua Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ) để xem xét, giải quyết.