Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên VVM 7 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản khiến dư luận hoang mang, mỗi người một quan điểm, mỗi người một ý kiến. Có người cho rằng VVM đã sai và truy cứu trách nhiệm hình sự là không oan sai, nhưng phần đông có quan điểm ngược lại, cũng không hẳn họ cho rằng VVM không phạm tội, mà họ phản đối chủ yếu từ cách hành xử coi thường “thượng đế” của Tân Hiệp Phát. Bản thân Tân Hiệp Phát không ít lần lên tiếng, nhưng tiếng nói của họ hiện giờ là “không đáng kể” trong bối cảnh hiện tại, thậm chí phản tác dụng vì thái độ thiếu thiện chí.
Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Với tôi, tôi muốn (chủ quan) rằng cần xác định VVM không phạm tội, đồng thời cũng muốn có cái nhìn khách quan hơn với Tân Hiệp Phát. Dù rằng, hiện giờ THP, bằng cách nào đó, giúp đỡ được VVM thoát cảnh tù tội, thì THP phải mất một khoảng thời gian và sự trân trọng khách hàng của mình mới tìm lại lòng tin người tiêu dùng; tôi rất ghét THP sau vụ này, nhưng không muốn THP giải thể hay phá sản. Không phải vì họ có hơn 5000 lao động, đóng góp ngân sách hàng ngàn tỷ đồng,… Mà vì sau vụ này, có lẽ THP đã biết trân trọng hơn người nuôi sống họ - người tiêu dùng.
Sau khi bản án tòa cấp sơ thẩm đã tuyên, chắc chắn sẽ có kháng cáo, khiếu nại,…như VVM và các LS bảo vệ đã nói. Nhưng lối ra nào cho vụ án này, khi mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã nhúng chân vào quá sâu? Tòa phúc thẩm sẽ phải làm gì khi đối diện với hàng loạt vấn đề ở cấp sơ thẩm?
Trong vụ án này, THP đã cử nhân viên đến “xem giò xem cẳng” con ruồi trong chai nước, và “xem tình trạng” chai nước những 3 lần, cũng là 3 lần thỏa thuận với VVM. Nếu nắp chai đã mở, họ sẽ thông báo, giải thích chính thức cho VVM biết. Nhưng họ thỏa thuận chủ yếu nêu ra “quy trình công nghệ” của mình, và thương lượng để giảm số tiền xuống còn 500 triệu đồng, thay vì ban đầu là 1 tỷ.
Việc thỏa thuận, thương lượng này đúng theo tinh thần của Điều 30 Luật bảo vệ người tiêu dùng và không thuộc hành vi bị cấm theo Điều 10. Đó là, khi phát hiện ra sản phẩm lỗi, kém chất lượng, thì giải pháp ưu tiên đầu tiên là thương lượng.
Điều 30. Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ
1. Tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thông qua:
a) Thương lượng;
b) Hòa giải;
c) Trọng tài;
d) Tòa án.
2. Không được thương lượng, hòa giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng.
Việc thương lượng, thỏa thuận, VVM đặt ra điều kiện rằng nếu không chấp nhận thì VVM sẽ thông tin cho báo chí, cho người khác, và cho Hội bảo vệ người tiêu dùng. Rõ ràng điều kiện VVM đặt ra “tiết lộ thông tin” cho những đối tượng này hoàn toàn bình thường, không trái pháp luật. Có ai nắm quyền tài sản (VVM đang là người sở hữu chai nước có ruồi) khi thương lượng về tài sản của mình mà không đặt ra điều kiện đâu. Nếu điều kiện đó “ở trên trời” thì đối tác có quyền từ chối. Trong trường hợp này, THP có quyền từ chối, chấp nhận, hoặc tiếp tục thương lượng. Nhưng họ lựa chọn con đường tự công khai cho báo chí, Công an biết nhằm khẳng khái lên tiếng mình trong sạch, “không thỏa hiệp với mọi hành vi sai trái”. Những phân tích trên đây có thể thấy VVM không trái pháp luật, hoàn toàn vô tội. Chính THP mới là người tự biến mình thành trung tâm của đàm tiếu, biến CQCN thành công cụ. Họ dự rằng một mũi tên bắn trúng nhiều đích: công khai để tự bảo vệ mình trong sạch, cây ngay không sợ chết đứng; CQCN vào cuộc sẽ không phải mất tiền theo thỏa thuận với VVM, cũng là giải pháp mượn tay CQCN để rửa sạch tay mình; đồng thời quảng bá được thương hiệu của THP thông qua những nhà báo mời. Nhưng vụ này khác những vụ trước đó, họ vừa kịp bắn trúng 1 đích VVM (đích thân họ giết một trong những người nuôi sống họ) thì họ đã bị trúng quá nhiều mũi tên từ phía dư luận, những người đã và đang nuôi sống họ.
Sau 3 lần thỏa thuận và lần thứ 3 THP và VVM chốt lại số tiền 500 triệu đồng, khi VVM nhận tiền thì bị bắt; điều đáng nói là tất cả gần như đã đào sẵn một cái lỗ ếch để VVM chui vào. Một số ý kiến cho rằng VVM phạm tội quả tang, nhưng phạm tội quả tang là việc bằng mắt thường nhìn thấy, biết được hành vi đó đang xảy ra hoặc vừa xảy ra, những hành vi đó dễ nhận biết mà không cần phải điều tra, xác minh (như cướp, cướp giật, trộm, dũng vũ lực hoặc uy hiếp để cưỡng đoạt tài sản, ... Ở đây VVM và THP đã thương lượng xong bằng văn bản rồi, chỉ ra giao nhận tiền thôi (trước đó có uy hiếp, đe dọa không làm sao ai biết?). Giữa 2 người đang giao tiền qua lại trong một quán cà phê mà bị bắt gọi là “quả tang”, thì sau này có ai dám mời nhau ra quán đâu đó để nhận tiền từ người khác (vay nợ trước đó) hoặc chủ quán có dám nhận tiền từ khách hàng sau khi nhậu xong không? Công an TG tổ chức bắt VVM trong trường hợp này có rất nhiều vấn đề, bắt có tổ chức, bắt xong lấy lời khai và cho LS phía THP tham gia lấy lời khai. VKS TG, sau khi kiểm sát đã cho rằng LS của THP tham gia lấy lời khai của VVM là không trái luật, luật không cấm, vấn đề không phải luật không cấm, mà vấn đề là họ chỉ được quyền làm những gì luật cho phép mà thôi-dân thường mới được làm những gì luật không cấm. Xem lại bộ luật tố tụng hình sự, không có bất kỳ điều luật nào quy định điều tra viên ghi lời khai, hỏi cung bị cáo lại cho LS đối nghịch về quyền lợi của bị cáo tham gia, trừ khi đó chính là LS bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bị cáo. Một sai phạm về tố tụng nghiêm trọng mà Tòa án cấp phúc thẩm có thể vịnh vào để hủy án. Nhưng hủy án để làm gì?
Trường hợp 1: Hủy và đình chỉ vụ án do đây là quan hệ dân sự, bị hình sự hóa. Trường hợp này khó xảy ra, bởi “quan điểm” về vụ này là có tội và không có tội cứ mập mờ chưa rõ, mặc dù nguyên tắc suy đoán vô tội nhưng khó để đình chỉ vụ án ngay. Hậu quả của việc đình chỉ vụ án sẽ khiến Tòa án cấp sơ thẩm khóc dỡ, đồng thời dư luận sẽ tiếp tục soi mói đến 4 bản án tương tự của THP trước đó dư luận chưa có điều kiện tiếp cận thông tin ...
Trường hợp 2: Hủy án, trả hồ sơ điều tra lại. Việc trả hồ sơ điều tra lại tiếp tục đi theo hai hướng, một là sẽ tuyên có tội, hai là sẽ tuyên vô tội (như trường hợp 1). Và trong trường hợp trả hồ sơ điều tra lại, phía Công an và VKS sẽ ngán! Với nhìn nhận của riêng tôi, việc trả hồ sơ điều tra lại là khả năng cao nhất xảy ra.
Và trong trường hợp thứ 2 này, giải pháp an toàn nhất mà cơ quan tiến hành tố tụng hướng đến là củng cố lại các dấu hiệu phạm tội của VVM và tuyên VVM phạm tội, nhưng mức hình phạt nhẹ và hưởng án treo, cải tạo không giam giữ,... Tuy nhiên, với quan điểm của tôi, giữa VVM và THP là quan hệ dân sự bình thường, nên phải tuyên vô tội.
Trường hợp 3: Y án sơ thẩm. Trường hợp này khó xảy ra với những sai phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng mà báo chí đã bêu ra trong thời gian qua, chưa nói đến việc có hình sự hóa quan hệ dân sự hay không.
Nếu VVM được tuyên vô tội, gánh nặng áp lực trước dư luận của THP phần nào được giảm đi, mặc dù ban đầu sẽ có nhiều khó khăn và nghi ngờ. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, bằng cách siết lại tư duy kinh doanh, thái độ và trách nhiệm đối với khách hàng, đối với sản phẩm của mình; không bô lô ba loa, vênh vênh như đại diện của THP tại phiên tòa sơ thẩm, cũng như những phát biểu kiểu như: không thỏa hiệp với hành vi sai trái trong khi chưa biết đúng sai (chưa xác minh được con ruồi có phải do VVM bỏ vào hay do sản phầm từ lò mình ra), sản phẩm có lỗi là do quá trình vận chuyển, do đại lý chứ THP không có lỗi,... THP phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình, cho đến khi khách hàng sử dụng sản phẩm và hoàn toàn an toàn (thậm chí từ thế hệ này qua thế hệ khác), chứ không phải dây chuyền khép kín đố ai bỏ ruồi vào được lại chối rằng sản phẩm lỗi do đại lý, do vận chuyển....? Cái này có thể suy ra nắp chai nước có ruồi của VVM bị trầy xước có khi nào do vận chuyển, mức nước thấp hơn sản phẩm mẫu (mẫu này do chính THP cung cấp sau này mới chết chứ) là do bay hơi,....
Người tiêu dùng, là người Việt Nam, tấm lòng nhân hậu, lương thiện, tấm lòng rộng lượng vị tha, đủ để quên đi những gì đã qua, dù phải mất một thời gian. Nhưng THP cần thay đổi chính mình, từ trên xuống dưới, từ tầm nhìn sâu rộng, từ chất lượng sản phẩm chứ không phải cứ mỗi lần khủng hoảng lại đổi tên để chạy trốn khủng hoảng.
MỘT SỐ BÊ BỐI....
Là doanh nghiệp nội tạo được dấu ấn cho người tiêu dùng, Tân Hiệp Phát từng được kỳ vọng sẽ trở thành “cây đa, cây đề” để phát triển ngành hàng nước giải khát Việt và đối đầu với những đối thủ nặng ký khác.
Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, Tân Hiệp Phát mắc không ít những lần khiến người tiêu dùng hoảng hốt, chủ yếu là việc phát hiện có dị vật bên trong những sản phẩm của doanh nghiệp.
Vào tháng 3 năm 2009, bà Nguyễn Thị Thu Hà, chủ quán Thác Vàng, Biên Hòa phát hiện chai nước tăng lực Number One còn đậy nắp có ống hút bên trong.
Tuy sau đó bà Thu Hà đã được đại diện Tân Hiệp Phát thừa nhận là những sản phẩm lỗi mà bà Hà phát hiện là của Tân Hiệp Phát, nhưng khi đưa tiền bồi thường cho bà Hà thì Tân Hiệp Phát lại gọi công an đến bắt vì tội tống tiền.
Do có đầy đủ giấy tờ nên công an đã trả tự do cho bà Thu Hà vào chiều cùng ngày mặc cho sự phản đối của Tân Hiệp Phát.
Cũng trong tháng 6 năm này, cơ quan điều tra phát hiện 3 container hàng có dấu hiệu vi phạm được cất giấu tại 169 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Qua kiểm tra phát hiện 26 tấn hương liệu chế biến nước giải khát do nước ngoài sản xuất đã hết hạn sử dụng. Hàng gắn nhãn gửi đến công ty Tân Hiệp Phát. Cơ quan điều tra tiến hành kiểm tra kho hàng của Tân Hiệp Phát chi nhánh Bình Dương. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 60 thùng hương liệu có thời hạn sử dụng ngày 3/11/2008, quá hạn 6 tháng so với ngày phát hiện.
Đến cuối năm 2010, ông Trương Ngọc Tuấn (TP.HCM) mua 2 thùng sữa đậu nành Number 1 Soya về bán và sử dụng.
Ông Tuấn phát hiện 6 chai đã gợn đục có lớp kết tủa màu trắng. Lô hàng này được ghi trên chai ngày sản xuất tháng 9/2010 và hạn sử dụng ngày 25/6/2011.
Tiếp đó, năm 2011, chị Nguyễn Thị Thúy (Bà Rịa - Vũng Tàu) có gửi đơn khiếu nại đến Văn phòng Khiếu nại của người tiêu dùng phía nam về việc mua 2 chai sữa đậu nành tự nhiên Number 1 Soya còn hạn sử dụng, đã phát hiện bên trong chai nổi lên cục màu trắng.
Tháng 2/2011, một người tiêu dùng tên H. tại Tiền Giang đã mua nhiều chai nước Dr Thanh để uống trong đó, có một chai nước anh phát hiện ra bên trong có lợn cợn.
Tới ngày 14/4/2011 khi đang nhận 35 triệu đồng cùng đại diện của Tân Hiệp Phát, anh H. bị công an ập vào bắt quả tang và sau đó bị Tòa tuyên phạt 1 năm tù.
Tới tháng 6/2012, cơ quan công an đã bắt quả tang Trần Quốc Tuấn (Bình Thạnh) nhận 50 triệu đồng của Tân Hiệp Phát liên quan đến vụ việc chai trà xanh có con gián bên trong sản phẩm của tập đoàn này.
Ngày 17/7/2013, Tòa án nhân dân Q.Bình Thạnh (Tp.HCM) xét xử sơ thẩm vụ án, tuyên phạt Nguyễn Quốc Tuấn 3 năm tù về tội "cưỡng đoạt tài sản".
Năm 2012, anh Lê Cao Tánh (Lâm Đồng) gửi đơn đến Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh yêu cầu xác minh làm rõ chất lạ có trong 2 chai Dr.Thanh.
Trước đó, anh Tánh mua 10 chai loại nước này có hạn sử dụng đến 22/8/2013 tại một tiệm tạp hóa gần nhà.
Sau khi các con anh Tánh uống thì có triệu chứng đau bụng đi ngoài. Khi kiểm tra thì phát hiện 2 chai Dr.Thanh còn lại chưa khui có chất lạ bên trong màu nâu kết tủa thành cục đặc quánh.
Tháng 12/2012, bà Tất Tố Mai (Bà Rịa-Vũng Tàu) phản ánh về các chai trà thảo mộc Dr.Thanh còn nguyên chưa khui và hạn sử dụng đến tháng 5-6/2013.
Tuy nhiên, nước uống trong chai đều có tình trạng chất kết tủa lợn cợn phía trên cổ chai.
Gần đây, nhiều nơi cũng đã phản ánh sản phẩm của Tân Hiệp Phát có lợn cợn và nghi dị vật bên trong.
Cuộc khủng hoảng lịch sử
Những bê bối của Tân Hiệp Phát xảy ra khá liên tục trong khoảng thời gian từ 2009 đến nay.
Nhưng vụ việc khiến người tiêu dùng mạnh mẽ lên án, khiến doanh nghiệp này rơi vào vòng xoáy của dư luận và tuyên bố bị thiệt hại nặng chính là vụ “con ruồi 500 triệu đồng”.
Ngày 3/12/2014, khi bán hàng cho khách, chủ quán cơm Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) phát hiện có ruồi trong chai nước Number One chưa mở nắp của Công ty Tân Hiệp Phát.
Tới ngày 27/1/2015, ông Minh hẹn gặp đại diện Công ty Tân Hiệp Phát tại một quán cà phê ở huyện Cái Bè (Tiền Giang), trong lúc ông Minh nhận 500 triệu đồng thì bị Công an tỉnh Tiền Giang bắt quả tang.
Thời điểm này, Tân Hiệp Phát bị dư luận lên án về hành vi “bẫy người tiêu dùng”.
Sự việc tạo nên làn sóng phẫn nộ khi ngày 18/12/2015 ông Võ Văn Minh bị tuyên mức án 7 năm tù giam vì tội “cưỡng đoạt tài sản”.
Đại diện Tân Hiệp Phát cho biết kể từ khi sự việc xảy ra công ty đã bị thiệt hại 2.000 tỷ đồng. Sau phiên tòa, gia đình ông Võ Văn Minh tuyên bố sẽ kháng cáo lên cấp phúc thẩm.
Năm 2015 cũng là năm “đại hạn” của Tân Hiệp Phát khi có thêm hàng loạt những vụ việc khác “tố” sản phẩm của doanh nghiệp này có chứa nhiều dị vật ở nhiều tỉnh thành.
Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tuyên mức án 7 năm tù giam đối với ông Võ Văn Minh vì tội “cưỡng đoạt tài sản (Ảnh: Tuổi trẻ)
Lời xin lỗi muộn màng có đủ để đi tiếp?
Sau khi làn sóng tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp này diễn ra mạnh mẽ, Tân Hiệp Phát bắt đầu gửi đến những “lời xin lỗi”.
Ngày 19/12/2015, một ngày sau khi tuyên án 7 năm tù giam đối với ông Võ Văn Minh, bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát đã ký văn bản gửi các đối tác, đại lý phân phối tập đoàn này thông tin về vụ án cưỡng đoạt tài sản của ông Võ Văn Minh, nhấn mạnh rõ doanh nghiệp "lấy làm tiếc về sự việc".
Tuy nhiên, lời xin lỗi này không thể làm dịu bớt dư luận đang phẫn nộ vì việc đẩy người tiêu dùng vào con đường lao lý.
Thậm chí, một số đơn vị đã ra văn bản cảnh báo người dùng và các cán bộ công nhân viên không sử dụng sản phẩm của Tân Hiệp Phát.
Sự việc ngày càng nghiêm trọng vì người tiêu dùng “tuyên bố thẳng là tẩy chay vì vấn đề đạo đức kinh doanh, chứ không phải do chất lượng sản phẩm.
Nghĩa là họ thù ghét một nhãn hàng và một ban lãnh đạo của doanh nghiệp”, theo Nhà báo Mai Phan Lợi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC).
Tiếp tục, ngày 25/12 vừa qua, Tân Hiệp Phát lại phát đi thông cáo bày tỏ quan điểm, sau hàng loạt thông tin về sản phẩm lỗi xuất hiện trên thị trường suốt 10 ngày qua, kể từ khi vụ án “con ruồi” được tuyên phạt.
Tuy nhiên, khủng hoảng của Tân Hiệp Phát đã đến mức “báo động đỏ”, kể cả khi doanh nghiệp chủ động lên tiếng xin lỗi, trảm “tướng” và thay “tướng” mới, giải cứu Võ Văn Minh, đền bù mọi trường hợp… vì một khi lòng tin người tiêu dùng đã mất, việc lấy lại không phải là điều dễ dàng.
Và vì thế, hành trình của Tân Hiệp Phát, và nay là Tập đoàn Number 1, có được viết tiếp hay không, phụ thuộc vào thái độ và hành động của người tiêu dùng.
|