Khoảng 17 giờ ngày 01/01/2018, tổ công tác của Công an huyện T phát hiện tại quán cà phê của Vũ Tuấn (sinh năm 1990, ở xã M, huyện T, tỉnh P) có 04 đối tượng gồm: Vũ Văn A, Nguyễn B, Nguyễn C, Đặng D đang đánh bạc bằng hình thức chơi “ba cây”. Trong quá trình bắt giữ, lợi dụng sơ hở, Đặng D đã bỏ trốn. Tổ công tác lập biên bản bắt người phạm tội quả tang và thu giữ vật chứng gồm 7.200.000 đồng, 36 quân bài tú lơ khơ (từ quân A đến quân 9).
Tại Cơ quan điều tra, các đối tượng đã khai nhận về hành vi đánh bạc và số tiền đánh bạc như sau:
Khoảng 16 giờ ngày 01/01/2018, Vũ Văn A đang trông hộ quán cà phê cho Vũ Tuấn (là con của A) thì có Nguyễn B, Nguyễn C và Đặng D đến chơi. Sau đó, các đối tượng rủ nhau đánh bạc. A lấy 1 bộ bài tú lơ khơ (có sẵn trong quán), rồi tất cả cùng ngồi xuống bàn kê ở góc quán cà phê để đánh bạc bằng hình thức chơi “ba cây” và thống nhất cách chơi như sau: A là người cầm cái (cầm chương) ván đầu tiên, dùng 36 quân bài tú lơ khơ (từ quân A đến quân 9, quân A được tính là 1 điểm) chia cho B và C mỗi người 03 quân bài. Sau đó từng người chơi cộng điểm 03 quân bài vào rồi so sánh với người cầm chương để tính điểm thắng thua (người nào có tổng số điểm của 03 quân bài chẵn là 10, 20 được tính là 10 điểm, là bài có số điểm cao nhất, tổng số điểm của 03 quân bài là 11, 21 được tính là 01 điểm, là bài có số điểm thấp nhất). Nếu bài của ai có tổng số điểm của 03 quân bài từ 08 điểm trở xuống thì ai cao điêm hơn người đó thắng và được 50.000 đồng. Nếu tổng số điểm của người cầm chương được 9 hoặc 10 điểm thì mỗi người chơi phải trả cho người cầm chương 100.000 đồng và ngược lại người cầm chương phải trả cho người chơi khác 100.000 đồng nếu họ được 9 hoặc 10 điểm, và người được 10 điểm sẽ được cầm chương ván tiếp theo. Nếu các bài bằng điểm nhau thì so sánh chất quân bài để tính thắng thua theo thứ tự rô, cơ, tép, bích... D không trực tiếp cầm bài để đánh bạc với A, B và C mà D đặt cửa bài của A (mượn bài của A) để cá cược, tính điểm và đánh bạc với B (có trường hợp không tính điểm mà so chất nhất định), nếu bài của A cao điểm hơn bài của B thì D thắng (hoặc ai có quân bài của chất nhất định đó cao hơn thì thắng. Ví dụ: Ai có quân chất rô cao hơn thì người đó thắng) B phải trả cho D 20.000 đồng và ngược lại, cách chơi cứ như vậy cho đến ván tiếp theo. Các đối tượng đánh bạc liên tục đến 17 giờ cùng ngày thì bị tổ công tác Công an huyện T phát hiện và bắt quả tang. Trong quá trình bắt giữ, lợi dụng sơ hở D bỏ trốn. Đến ngày 03/01/2018, D đến cơ quan điều tra Công an huyện T đầu thú và khai nhận hành vi đánh bạc của mình như nêu trên.
Quá trình bắt giữ, tổ công tác Công an huyện T thu giữ trên mặt bàn nơi các đối tượng đánh bạc tổng số tiền 7.200.000 đồng, số tiền này được xác định là số tiền đánh bạc của cả 04 đối tượng trên. Quá trình điều tra các đối tượng khai nhận trong lúc đánh bạc có lúc thắng, có lúc thua, nhưng cụ thể thắng thua được bao nhiêu không xác định được. Khi Công an bắt quả tang thì toàn bộ số tiền vẫn ở trên mặt bàn nhưng do đã lẫn lộn với nhau và không thể xác định lúc này mỗi người cỏ bao nhiêu tiền. Các đối tượng chỉ khai nhận: C có 2.000.000 đồng, B có 4.000.000 đồng, A có 700.000 đồng và D có 500.000 đồng sử dụng để đánh bạc.
Do các đối tượng đã đủ tuổi, đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, Cơ quan điều tra Công an huyện T đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Văn A, Nguyễn B, Nguyễn C và Đặng D về Tội đánh bạc theo quy định tại khoản 1 Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong vụ án này, có ý kiến khác nhau về cách giải quyết, cụ thể:
Ý kiến thứ nhất cho rằng: Việc khởi tố bị can đối với 04 đối tượng trên là đúng vì khoản 1, Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Trong vụ án này, xác định cả 04 đối tượng đánh bạc với nhau trong cùng một thời điểm, tại một địa điểm và sử dụng tổng số tiền là 7.200.000 đồng để đánh bạc, vì vậy, hành vi của các đối tượng đã cấu thành Tội đánh bạc.
Ý kiến thứ hai cho rằng: Hành vi của các đối tượng là hành vi đánh bạc trái phép, tuy nhiên, cần xác định rõ các đối tượng đánh bạc trong cùng một chiếu bạc hay chia làm hai chiếu bạc, mỗi chiếu bạc có bao nhiêu người và sử dụng bao nhiêu tiền để đánh bạc.
Trong vụ án này, có 04 đối tượng có hành vi đánh bạc trái phép, được chia làm 02 chiếu bạc, một chiếu bạc có 03 đối tượng đánh bạc với số tiền sử dụng để đánh bạc là 6.700.000 đồng; một chiếu bạc có 02 đôi tượng đánh bạc với số tiền sử dụng để đánh bạc là 4.500.000 đồng, cụ thể như sau:
Chiếu bạc thứ nhất: Chỉ có A,B,C đánh bạc với nhau bằng hình thức “(ba cây)”, số tiền phải trả cho từng ván (8 điểm được trả 50.000 đồng; 9 điểm hoặc 10 điểm trả 100.000 đồng), ba đối tượng này thống nhất về người cầm chương ván tiếp theo khi được 10 điểm... Quá trình điều tra các đối tượng khai nhận trong lúc đánh bạc có lúc thắng, có lúc thua, nhưng cụ thể thắng thua được bao nhiêu không xác định được, khi công an bắt quả tang thì toàn bộ số tiền vẫn ở trên mặt bàn, nhưng do đã lẫn lộn với nhau và không thể xác định lúc này mỗi người có bao nhiêu tiền. Vì vậy, số tiền các đối tượng có ban đầu để đánh bạc được xác định làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, C có 2.000.000 đồng, B có 4.000.000 đồng, A có 700.000 đồng sử dụng để đánh bạc. Như vậy, tổng số tiền sử dụng trong chiếu bạc này của A, B, C là 6.700.000 đồng, hành vi của A, B, C đã phạm vào Tội đánh bạc theo quy định tại khoản 1 Điều 321 của Bộ luật Hình sự năm 2015, việc khởi tố bị can của Cơ quan cảnh sát điều tra huyện T đối với A, B, c về Tội đánh bạc là có căn cứ.
Chiếu bạc thứ hai: Chiếu bạc này chỉ có B và D đánh bạc với nhau, bởi vì giữa B và D có thỏa thuận riêng với nhau về hình thức chơi bạc, cách thức chơi bạc, D không trực tiếp cầm bài để đánh bạc với A, B và C mà D đặt cửa bài của A (mượn
bài của A) đề cá cược, tính điểm và đánh bạc với B (có trường hợp khóng tính điểm mà so chất nhất định), nếu bài của A cao điểm hơn bài của B thì D thắng (hoặc bài của A có quân bài của chất nhát định đó cao hơn thì thắng) và B phải trả cho D 20.000 đồng và ngược lại. Cách chơi cứ như vậy cho đến ván tiếp theo, D không phải trả tiền cho người câm chương. Như vậy, D không tham gia đánh bạc cùng với cả A, B, c tại chiếu bạc thứ nhất, mà D và B tạo nên một chiếu bạc khác, chỉ với hai người với cách thức chơi bạc, số tiền phải thanh toán trong từng ván bạc cũng khác nhau. Vì vậy, D không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền trong chiếu bạc thứ nhất.
Do không xác định được số tiền thắng, thua của B với A và C trong quá trình đánh bạc nên chỉ xác định số tiền ban đầu của B là 4.000.000 đồng để đánh bạc, đồng thời với cả hai chiếu bạc. Số tiền ban đầu của D là 500.000 đồng sử dụng để đánh bạc với B. Tổng số tiền sử dụng để đánh bạc của chiếu bạc này là 4.500.000 đồng, do số tiền đánh bạc tại chiếu bạc này chưa đủ 5.000.000 đồng nên B chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đánh bạc tại chiếu bạc thứ nhất. Còn D (không có tiền án, tiền sự) không phải chịu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp hành chính. Như vậy, việc khởi tố bị can đối với Đặng D về Tội đánh bạc theo khoản 1, Điều 321 của Bộ luật Hình sự năm 2015 là không có căn cứ.
Mong nhận được các ý kiến, bình luận của các quý Luật sư, Luật gia và các bạn đọc gần xa!
Các bạn bấm CẢM ƠN cho mình nhé!
"Rồi em sẽ gặp được một người khiến em tha thứ cho mọi bất công của cuộc đời mình!"
Tạp chí Khoa học pháp lý