Kể tên các loại phí phải trả khi sử dụng thẻ tín dụng!

Chủ đề   RSS   
  • #609743 20/03/2024

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81119
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1708 lần
    ContentAdministrators
    SMod

    Kể tên các loại phí phải trả khi sử dụng thẻ tín dụng!

    Vụ việc khách hàng bị món nợ thẻ tín dụng Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) 8,5 triệu đồng từ năm 2013 đến nay đã thành nợ xấu hơn 8,8 tỷ đồng đã khiến các khách hàng đang sử dụng thẻ tín dụng băn khoăn về các loại phí phải trả. Bài viết sẽ kể tên một số loại phí phải trả khi sử dụng thẻ tín dụng.

    Thẻ tín dụng (Credit Card) là một loại thẻ ngân hàng mà trong đó người dùng có thể mượn tiền của ngân hàng để chi tiêu trước, sau đó sẽ hoàn lại cho ngân hàng và tùy theo thời hạn mà có thể được miễn lãi suất hoặc trả lãi quanh mức 15%/năm. Số tiền có thể mượn của ngân hàng nằm trong khoảng từ 10 đến 100 triệu đồng.

    Quy định về phí dịch vụ thẻ theo quy định pháp luật

    Sau vụ việc khách hàng nợ thẻ tín dụng từ 8,5 triệu đồng sau 11 năm đã nợ lên đến 8,8 tỷ đồng ở Ngân hàng Eximbank, người dân cần lưu ý về các loại phí khi sử dụng thẻ tín dụng.

    Căn cứ tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định về phí dịch vụ thẻ như sau: 

    Chỉ tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) được thu phí của chủ thẻ. TCPHT thu phí theo Biểu phí dịch vụ thẻ của tổ chức mình và không được thu thêm bất kỳ loại phí nào ngoài Biểu phí đã công bố. 

    Biểu phí dịch vụ thẻ phải nêu rõ các loại phí, mức phí áp dụng cho từng loại thẻ và dịch vụ thẻ. Biểu phí dịch vụ thẻ của TCPHT phải phù hợp với quy định của pháp luật, được niêm yết công khai và phải cung cấp cho chủ thẻ trước khi sử dụng và khi có sự thay đổi. 

    Các hình thức thông báo và cung cấp thông tin về phí cho chủ thẻ phải được quy định cụ thể trong hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ. Thời gian từ khi thông báo đến khi áp dụng các thay đổi về phí tối thiểu là 07 ngày và phải được quy định cụ thể trong hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ.

    Xem thêm bài viết: Vụ nợ tín dụng 8,8 tỷ của Eximbank, liệu ngân hàng còn thời hiệu khởi kiện?

    Thẻ ngân hàng không dùng nữa có bị tính phí không?

    Cách tính lãi của thẻ tín dụng? Có những lưu ý nào cần phải biết?

    Các loại phí thông dụng cần lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng

    Theo đó, tùy từng ngân hàng, từng loại thẻ mà sẽ có các mức phí khác nhau, có thể kể đến một số loại phí như:

    (1) Phí phát hành thẻ: 

    Phí phát hành thẻ tín dụng ở các ngân hàng khác nhau là khác nhau. Mức phí phát hành thẻ cũng quy định khác nhau đối với trường hợp khách hàng đề nghị phát hành thẻ thông thường với phát hành thẻ nhanh, khoảng 300.000 - 2.000.000 VND.

    Thời gian phát hành thẻ tín dụng từ 3-5 ngày sau khi hồ sơ được phê duyệt. Ngay khi nhận thẻ tín dụng, người dùng cần nhận biết những thông tin quan trọng trên thẻ.

    (2) Phí thường niên: 

    Mỗi năm, khách hàng trả loại phí này một lần. Mức phí phổ biến khoảng 200.000-500.000 đồng.

    Phí thường niên có thể được giảm xuống hoặc miễn phí nếu như bạn có ưu đãi đăng ký tại thời điểm làm thẻ hoặc đạt tổng mức chi tiêu qua thẻ tín dụng cao theo chính sách tại các ngân hàng.

    (3) Phí rút tiền mặt: 

    Khách hàng có thể rút tiền mặt tới 70% hạn mức tín dụng được cấp, mức phí 2-4% số tiền được rút.

    (4) Phí chậm thanh toán: 

    Khách hàng phải trả phí chậm thanh toán khi không thanh toán, hoặc thanh toán ít hơn giá trị thanh toán tối thiểu (thông thường 5% của dư nợ cuối kỳ). Khoản phí này thông thường bằng 3-4% số tiền thanh toán tối thiểu.

    (5) Phí vượt hạn mức tín dụng: 

    Ngân hàng cho phép khách hàng "quẹt lố" mức cho phép của thẻ. Mức phí này vào khoảng 3-5% số tiền vượt hạn mức.

    Thông thường, khi cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng, các ngân hàng sẽ dựa vào một số yếu tố như:

    - Thu nhập: Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến hạn mức tín dụng tối đa mà ngân hàng sẽ cấp cho bạn. Vì thế, trong quá trình nộp hồ sơ mở thẻ tín dụng, bạn sẽ được các ngân hàng yêu cầu chứng minh thu nhập của bản thân. Khi thu nhập càng cao và ổn định thì hạn mức tín dụng được phê duyệt càng cao.

    - Công việc: Khi bạn có công việc ổn định, ngân hàng sẽ nhìn thấy được khả năng thanh toán dư nợ tín dụng trong dài hạn. Vì thế, các ngân hàng luôn kiểm tra tình trạng nghề nghiệp của bạn trong hồ sơ đăng ký mở thẻ tín dụng.

    - Lịch sử tín dụng: Không bị nợ xấu trên hệ thống CIC không có nghĩa là lịch sử tín dụng của bạn tốt. Khi xét duyệt hồ sơ đăng ký tín dụng, ngân hàng sẽ kiểm tra các thông tin như: bạn có mở quá nhiều thẻ tín dụng không, có thói quen trả nợ đúng hạn không, thói quen chi tiêu thế nào… Tất cả những thông tin này giúp ngân hàng đánh giá khả năng thanh toán dư nợ tín dụng để xác định bạn có được cấp hay không.

    Sau khi xét duyệt kỹ lưỡng hồ sơ, ngân hàng sẽ tiến hành quyết định loại thẻ và hạn mức tín dụng phù hợp với khả năng tài chính của bạn.

    Hạn mức tín dụng được ngân hàng cấp ngay sau khi duyệt mở thẻ, bạn chỉ được chi tiêu trong hạn mức này. Nếu chi tiêu vượt hạn mức thẻ tín dụng thì bạn phải chấp nhận trả phí vượt hạn mức. 

    Phí vượt hạn mức tín dụng của mỗi ngân hàng là khác nhau. Ví dụ: 

    Ngân hàng ANZ và HSBC có mức phí vượt hạn mức từ 100 nghìn đồng, ngân hàng Sacombank quy định là tính 0,075%/ngày dựa trên số tiền vượt hạn mức, ngân hàng Eximbank quy định phí 15%/năm trên số tiền vượt hạn mức. Ngân hàng Quốc Tế VIB là 3.5 - 4%/Số tiền vượt hạn mức (Tối thiểu: 50.000 VNĐ).

    (6) Phí chuyển đổi ngoại tệ: 

    Khách hàng sử dụng thẻ để thanh toán cho các giao dịch bằng ngoại tệ tại nước ngoài và khách phải trả thêm phí chuyển đổi ngoại tệ. Mức phí này có thể là 2% đến 3% trên số tiền của mỗi giao dịch.

    (7) Lãi suất thẻ tín dụng: 

    Khách hàng sẽ được miễn lãi 45-55 ngày trong kỳ sao kê. Tuy nhiên khi đến hạn thanh toán, nếu khách hàng không thanh toán hết toàn bộ số tiền sao kê thì sẽ phải trả lãi toàn bộ số tiền kỳ sao kê đó với lãi suất khoảng 20-40%/năm, từ ngày phát sinh giao dịch. Số tiền còn lại chưa trả sẽ được cộng tiếp vào kỳ sao kê tiếp theo.

    (8) Phí hủy thẻ: 

    Khi đóng thẻ bạn sẽ phải chịu mức phí hủy thẻ tín dụng. Mức phí này sẽ tùy thuộc vào từng ngân hàng và từng loại thẻ, dao động từ 0 - 500.000 VNĐ. 

    Hướng dẫn các bước hủy thẻ tín dụng:

    Tất cả ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay chỉ áp dụng duy nhất phương thức hủy thẻ tại điểm giao dịch của ngân hàng. Vì vậy bạn chỉ có thể thực hiện hủy thẻ theo các bước sau:

    Bước 1: Thông báo yêu cầu hủy thẻ tín dụng tại điểm phát hành thẻ tại các chi nhánh ngân hàng trên toàn quốc.

    - Xác minh thông tin chủ thẻ

    - Mã PIN

    - Thông tin cá nhân

    - Địa chỉ

    - Số dư nợ còn lại trong thẻ

    - Ngày giao dịch gần nhất

    Bước 2: Nếu các thông tin trên trùng khớp với thông tin lúc đăng ký thẻ tín dụng của bạn, thẻ của bạn sẽ được khóa lại.

    Bước 3: Nộp lại thẻ tín dụng: Việc huỷ được thẻ tín dụng, khách hàng cần thanh toán tất cả các khoản nợ và phí theo yêu cầu thỏa thuận của hai bên.

    Một số điều lưu ý để tránh mất tiền khi dùng thẻ tín dụng

    Không cần nhập mật khẩu, chỉ cần quẹt thẻ, khách hàng có thể thanh toán cho mình món đồ cần mua. Đó chính là sự tiện lợi khi dùng thẻ tín dụng, nhưng đi cùng với đó là những cảnh báo về tính an toàn cho người sử dụng.

    Để sử dụng thẻ an toàn, không để bị mất tiền oan, thất thoát trong tài khoản của mình thì trong quá trình sử dụng, khách hàng cần lưu ý một số điều sau đây:

    - Không được đưa thẻ của mình cho bất cứ ai vì kẻ gian có thể lợi dụng để thực hiện giao dịch không được phép. 

    - Không được lộ thông tin trên thẻ như số thẻ, mã số bảo mật, tên trên thẻ. 

    - Khi thanh toán trực tuyến, khách hàng cần bảo mật thông tin như OTP, tên, mật khẩu truy cập, tài khoản mobile banking, tài khoản online do ngân hàng cung cấp.

    Trên đây là một số loại phí phải trả đối với khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng, đồng thời lưu ý một số nguyên tắc khi sử dụng thẻ để tránh thất thoát không đáng có. 

    Xem thêm bài viết: Vụ nợ tín dụng 8,8 tỷ của Eximbank, liệu ngân hàng còn thời hiệu khởi kiện?

    Thẻ ngân hàng không dùng nữa có bị tính phí không?

    Cách tính lãi của thẻ tín dụng? Có những lưu ý nào cần phải biết?

     
    3104 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    admin (10/05/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận