JD công việc là gì? Thử việc có cần ký hợp đồng không?

Chủ đề   RSS   
  • #612296 03/06/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 23218
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 543 lần
    SMod

    JD công việc là gì? Thử việc có cần ký hợp đồng không?

    Khi đi tìm việc, ta thường nghe nói đến JD, tức là một bảng mô tả công việc của vị trí mà nhà tuyển dụng đang cần tuyển. Vậy, JD công việc là gì? Thử việc có cần ký hợp đồng không?

    JD công việc là gì?

    JD là viết tắt của cụm từ Job Description, nghĩa là bản mô tả công việc. JD là một văn bản chứa đầy đủ thông tin về nhiệm vụ, tiêu chuẩn, yêu cầu cho tới quyền lợi của ứng viên mà nhà tuyển dụng xây dựng theo vị trí công việc đang tuyển dụng tại tổ chức, doanh nghiệp. 

    JD sẽ được gửi cho các ứng viên để cung cấp cái nhìn đầy đủ nhất về công việc, được viết bằng ngôn ngữ đơn giản, thể hiện rõ ràng qua những gạch đầu dòng, ngắn gọn, giúp ứng viên hiểu được những yêu cầu, tính chất công việc. Từ đó, ứng viên xem có phù hợp với năng lực, định hướng của bản thân hay không.

    Thông thường, JD sẽ có những nội dung sau đây:

    - Tên vị trí công việc: phần này thể hiện rõ chức danh công việc và cho biết vị trí này nằm trong khuôn khổ quản lý của bộ phận nào.

    - Mô tả công việc: đây là phần mà người xem có thể nhìn bao quát được toàn bộ quá trình làm việc của vị trí này thông qua việc mô tả về cách thức nghiệp vụ hàng ngày, thời gian hoàn thành, tuân thủ quy định ra sao.

    - Trách nhiệm trong công việc: được xem là khá quan trọng để nhận biết được nhiệm vụ cốt lõi mà vị trí công việc đảm nhận. Điều này có ảnh hưởng lớn đến chất lượng làm việc của cả một tập thể cùng vận hành theo đúng quỹ đạo ban đầu mà cấp trên đã vạch định.

    - Yêu cầu kinh nghiệm chuyên môn: là điều kiện cần cho một vị trí, bởi nhìn chung một kinh nghiệm làm việc phù hợp mới có thể đảm nhiệm tốt được yêu cầu công việc đặt ra.

    - Trình độ học vấn: là yêu cầu cần thiết phải đặt ra do tính chất công việc đòi hỏi người đạt đủ các bằng cấp chuyên ngành thuộc lĩnh vực tuyển dụng mới có thể đảm nhiệm tốt được.

    - Thẩm quyền trong công việc: nêu rõ quyền hạn của vị trí công việc này với những bộ phận quản lý nào nhằm phân luồng quản trị hợp lý trong cơ cấu tổ chức doanh nghiệp

    - Thu nhập, quyền lợi: tương ứng với vị trí công việc thì bản JD sẽ đưa ra mức lương cụ thể, bao gồm lương cơ bản, phụ cấp và các khoản thưởng (nếu có) khi hoàn thành tốt công việc được giao, chế độ bảo hiểm,....

    Theo đó, thông qua JD ứng viên sẽ hình thành được khái quát về vị trí mà mình sắp ứng tuyển để có thể đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân.

    Thử việc có cần ký hợp đồng không?

    Hiện nay, Bộ luật Lao động 2019 không có quy định nào bắt buộc người lao động phải ký hợp đồng thử việc trước khi giao kết hợp đồng lao động.

    Tuy nhiên theo Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về thử việc như sau:

    - Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

    - Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019.

    - Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.

    Như vậy, hiện nay không có quy định bắt buộc phải ký hợp đồng thử việc trong giai đoạn thử việc của người lao động. Tuy nhiên để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của mình thì người lao động và người sử dụng lao động có thể ký hợp đồng thử việc với nhau. 

    Theo đó, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận với nhau về việc người lao động sẽ tiến hành thử việc trước khi quyết định ký hợp đồng chính thức.

    Tự ý nghỉ trong giai đoạn thử việc thì người lao động có được trả lương không?

    Theo Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

    Đồng thời, theo Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

    - Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.

    Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.

    Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

    -. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

    Như vậy, việc tự nghỉ trong thời gian thử việc là quyền người lao động, nên người lao động có thể yêu cầu người sử dụng lao động thanh toán cho mình khoản tiền ứng những ngày thử việc chưa được trả lương.

     
    238 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn btrannguyen vì bài viết hữu ích
    admin (05/08/2024)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận