Theo Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Tuy nhiên trên thực tế vẫn xảy ra tình trạng người có nghĩa vụ cấp dưỡng không gửi tiền cấp dưỡng nuôi con. Vậy để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của con thì cần phải yêu cầu thi hành án cấp dưỡng. Cụ thể các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
* Hồ sơ gồm có những giấy tờ sau đây:
- Đơn yêu cầu thi hành án;
- Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh người có nghĩa vụ thi hành án đang có tài sản để thi hành. Đó có thể là sao kê bảng lương, xác nhận của cơ quan nơi người có nghĩa vụ cấp dưỡng làm việc.Ngoài ra cung cấp thêm thông tin về các tài sản hiện có như đất đai, nhà cửa...
- Bản sao có công chứng/chứng thực CMND/CCCD.
* Mẫu đơn yêu cầu thi hành án
Đơn yêu cầu thi hành án được sử dụng theo Mẫu số D04 - THADS Ban hành kèm theo Thông tư 01/2016/TT-BTP. Trong đơn phải đảm bảo các nội dung sau đây:
- Tên, địa chỉ của người yêu cầu;
- Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
- Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
- Nội dung yêu cầu thi hành án;
- Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có;
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân, nếu có.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Hồ sơ yêu cầu thi hành việc cấp dưỡng dược gửi đến cơ thi hành án dân sự cùng cấp với tòa án đã giải quyết ly hôn.
Bước 3: Cơ quan thi hành án tiếp nhận
- Sau khi nộp đầy đủ hồ sơ đến Chi cục thi hành án dân sự, Chi cục thi hành án tiếp nhận yêu cầu thi hành án.
- Cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra nội dung yêu cầu và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận yêu cầu thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án, nếu cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án thì phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu trong các trường hợp sau đây:
+ Người yêu cầu không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung yêu cầu không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định; bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự;
+ Cơ quan thi hành án dân sự được yêu cầu không có thẩm quyền thi hành án;
+ Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Bước 4: Ra quyết định thi hành án
- Sau khi xem xét, kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ, cơ quan thi hành án ra Quyết định thi hành án dân sự.
- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành trực tiếp tiến hành các trình tự thi hành án theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, các quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
- Quyết định thi hành án sẽ được gửi trực tiếp cho các đương sự để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của quyết định này. Cơ quan tiến hành các thủ tục thi hành án theo quy định của pháp luật: thông báo tự nguyện cho đương sự, xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức cưỡng chế thi hành án và xử lý tài sản, thanh toán tiền thi hành án hoặc giao tài sản, thu phí thi hành án.