Hướng dẫn xác định nguồn kinh phí thực hiện mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng theo Nghị định 73

Chủ đề   RSS   
  • #615553 23/08/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 10

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (920)
    Số điểm: 14785
    Cảm ơn: 19
    Được cảm ơn 312 lần


    Hướng dẫn xác định nguồn kinh phí thực hiện mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng theo Nghị định 73

    Để thực hiện hiệu quả chính sách nâng mức lương cơ sở theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP phụ thuộc rất lớn vào kinh phí, do đó việc xác định nguồn kinh phí là công tác rất quan trọng.

    (1) Hướng dẫn xác định nguồn kinh phí thực hiện mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng theo Nghị định 73

    Ngày 01/7/2024 vừa qua là một ngày vui đối với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các cơ quan Nhà nước khi Nghị định 73/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, nâng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng.

    Để đảm bảo thực hiện hiệu quả Nghị định 73/2024/NĐ-CP, việc xác định nguồn kinh phí để chi trả cho cán bộ, công chức, viên chức theo mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng mới là một công tác vô cùng quan trọng, nếu làm không khéo sẽ gây ra nhiều hậu quả khó lường về kinh tế.

    Do đó, Bộ Tài chính (BTC) đã ban hành Thông tư 62/2024/TT-BTC để hướng dẫn cách xác định nguồn kinh phí thực hiện mức lương cơ sở và chế tiền thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP.

    Cụ thể, các nguồn kinh phí để thực hiện mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Thông tư 62/2024/TT-BTC bao gồm:

    Nguồn kinh phí thực hiện Nghị định 73/2024/NĐ-CP của các bộ, cơ quan Trung ương:

    - Nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2023 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2024 (nếu có).

    - Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2024 sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35% sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Phạm vi trích số thu được để lại thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 62/2024/TT-BTC.

    - Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2024 tăng thêm so với dự toán năm 2023 được cấp có thẩm quyền giao.

    Nguồn kinh phí thực hiện Nghị định 73/2024/NĐ-CPNghị định 75/2024/NĐ-CP của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

    - Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao.

    - Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2024 tăng thêm so với dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao.

    - Sử dụng nguồn 70% tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2023 và 50% tăng thu ngân sách địa phương dự toán năm 2024 so dự toán năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao (loại trừ một số khoản theo quy định tại khoản 2 điều 3 Nghị quyết 34/2021/QH15, Quyết định 1600/QĐ-TTgQuyết định 1602/QĐ-TTg).

    - Sử dụng 50% phần ngân sách nhà nước giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính (do thực hiện tinh giản biên chế và đổi mới, sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) và các đơn vị sự nghiệp công lập (do thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập).

    - Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2024 sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35% sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Phạm vi trích số thu được để lại thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 62/2024/TT-BTC.

    - Sử dụng nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2023 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có).

    Các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên:

    Thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 73/2024/NĐ-CP.

    Bên cạnh các nguồn kinh phí kể trên, Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ nhu cầu kinh phí thực hiện mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng cho các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương sau khi đã cân đối các nguồn kinh phí mà chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực hiện theo quy định, trừ các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên.

    (2) Phạm vi trích số thu được để lại thực hiện thế nào?

    Liên quan đến phạm vi trích số thu được để lại, khoản 3 Điều 3 Thông tư 62/2024/TT-BTC quy định như sau:

    - Đối với các cơ quan hành chính nhà nước:

    Sử dụng tối thiểu 40% số thu phí (thuộc danh mục phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí) được để lại theo chế độ sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí (bao gồm cả chi phí đã sử dụng để thực hiện theo mức tiền lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng) theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí (không được trừ chi phí trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp đã được ngân sách nhà nước bảo đảm chi phí cho hoạt động thu).

    - Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên:

    Đối với số thu phí (thuộc danh mục phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí): 

    Sử dụng tối thiểu 40% số thu phí được để lại theo chế độ sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí (bao gồm cả chi phí đã sử dụng để thực hiện theo mức tiền lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng) theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí (không được trừ chi phí trực tiếp phục vụ cho công tác thu trong trường hợp đã được ngân sách nhà nước bảo đảm chi phí cho hoạt động thu).

    Đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của các cơ sở y tế công lập:

    Sử dụng tối thiểu 35% số thu được để lại theo chế độ sau khi trừ các khoản chi phí đã được kết cấu trong giá dịch vụ theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ (như: chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư thay thế, vật tư tiêu hao trực tiếp phục vụ cho người bệnh; chi phí điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ,... và chi phí tiền lương, phụ cấp đã kết cấu trong giá).

    Đối với số thu dịch vụ (bao gồm cả thu học phí), các hoạt động liên doanh liên kết và các khoản thu khác:

    Sử dụng tối thiểu 40% số chênh lệch thu lớn hơn chi (sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định).

    Qua các quy định trên, có thể thấy việc xác định nguồn kinh phí để thực hiện mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. 

    Bằng việc khai thác tối đa các nguồn lực, cải tiến cơ chế quản lý và phân bổ ngân sách, chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo nguồn kinh phí ổn định, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

     
    55 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận