Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi đã lâu tuy nhiên chưa có thành viên nào trả lời, không biết bạn đã giải quyết được thắc mắc hay tìm được câu trả lời từ nguồn khac chưa. Tuy nhiên, đối với vấn đề này, tôi rất mong muốn được cung cấp một số thông tin tham khảo đến bạn cũng như các thành viên khác quan tâm đến lĩnh vực này.
1. Liên quan đến công ty mà bạn đang thắc mắc
Công ty bạn thành lập năm 2014, thời điểm đó áp dụng theo Luật Doanh nghiệp 2005 và các văn bản hướng dẫn liên quan.
a) Trình tự, thủ tục chuyển nhượng cổ phần theo Luật Doanh nghiệp 2005
Khi chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nhận được GCN đăng ký kinh doanh cần chú ý quy định tại khoản 5, Điều 84, Luật Doanh nghiệp 2005:
"Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó và người nhận chuyển nhượng đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty.
Sau thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập đều được bãi bỏ."
Đối chiếu với quy định trên, tại thời điểm tháng 11/2014, cổ đông D chỉ được phép chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông E. Và sau khi nhận chuyển nhượng thành công, cổ đông E sẽ đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty bạn.
Để thực hiện chuyển nhượng cổ phần phổ thông từ cổ đông D sang cho cổ đông E, cần tiến hành các bước:
- Lập hợp đồng chuyển nhượng cổ phần;
- Tổ chức hội nghị họp đồng cổ đông để thông qua việc chuyển nhượng cổ phần.
b) Thủ tục đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập
* Trình tự thực hiện
- Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định.
- Bước 2: Doanh nghiệp đến nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh
+ Chuyên viên kiểm tra hồ sơ đủ giấy tờ theo quy định, tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy biên nhận cho doanh nghiệp.
- Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp.
-Bước 4: Căn cứ theo ngày hẹn trên giấy Biên nhận, doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận kết quả giải quyết hồ sơ
* Thành phần hồ sơ
1- Thông báo thay đổi cổ đông sáng lập ( do người đại diện theo pháp luật ký);
2- Quyết định bằng văn bản về việc thay đổi cổ đông sáng lập của Đại hội đồng cổ đông (do Chủ tịch hội đồng quản trị ký). Quyết định phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong Điều lệ công ty;
3- Bản sao biên bản họp về việc thay đổi cổ đông sáng lập của Đại hội đồng cổ đông (có chữ ký của chủ tọa và thư ký cuộc họp hoặc chữ ký của các cổ đông dự họp). Biên bản phải ghi rõ những nội dung được thay đổi trong Điều lệ công ty
4- Danh sách các cổ đông sáng lập khi đã thay đổi;
5- Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và các giấy tờ chứng thực việc hoàn tất chuyển nhượng hoặc hợp đồng tặng cho cổ phần;
6- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân hoặc pháp nhân còn hiệu lực của cổ đông sáng lập mới:
6.1- Cá nhân có quốc tịch Việt Nam: Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu;
6.2- Cá nhân có quốc tịch nước ngoài: Hộ chiếu.
6.3- Cổ đông sáng lập mới là tổ chức:
- Quyết định thành lập; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế.
- Một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân còn hiệu lực theo khoản 6.1 và 6.2 nêu trên của người đại diện theo ủy quyền và quyết định ủy quyền tương ứng. (Tham khảo nội dung ủy quyền tại Điều 96 Luật Doanh nghiệp).
(Nếu cổ đông sáng lập mới là tổ chức nước ngoài thì các loại giấy tờ chứng thực nêu trên phải được hợp pháp hóa lãnh sự, có bản dịch sang tiếng Việt được xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.)
7- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế;
8- Mục lục hồ sơ (ghi theo thứ tự trên);
9- Bìa hồ sơ (bằng bìa giấy mỏng hoặc nylon cứng không có chữ sử dụng cho mục đích khác).
10- Tờ khai thông tin người nộp hồ sơ
* Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ
*Cơ quan thực hiện: Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư
* Lệ phí: 200.000 đồng/lần cấp.
2. Một số thay đổi trong quá trình chuyển nhượng cổ phần và thay đổi cổ đông sáng lập theo Luật Doanh nghiệp 2014
Tính tới thời điểm hiện tại, Luật Doanh nghiệp 2005 đã hết hiệu lực, thay vào đó, Luật Doanh nghiệp 2014 điều chỉnh các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp. Tôi xin cung cấp một số thay đổi trong vấn đề đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập theo Luật Doanh nghiệp 2014 như sau:
Khác với Luật Doanh nghiệp 2005, Luật doanh nghiệp 2014 đã có định nghĩa rất mới về cổ đông sáng lập: “Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần”. Khoản 2 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014. Theo đó cổ đông sáng lập chỉ có thể là các cổ đông có sở hữu ít nhất 1 cổ phần và phải là người ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty ngay tại thời điểm thành lập công ty cổ phần.
Chính vì lẽ đó khi cổ đông sáng lập muốn chuyển nhượng vốn trong 03 năm đầu kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được quy định như sau:
-
Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.
-
Các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty.
Như vậy, nếu như trước đây theo Luật Doanh nghiệp 2005 thì khi cổ đông sở hữu cổ phần công ty trong vòng 03 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì được coi là cổ đông sáng lập dù cổ đông đó có thể được nhận chuyển nhượng cổ phần thông qua rất nhiều cổ đông trước đó. Thì nay, theo Luật Doanh nghiệp 2014 cổ đông sáng lập chỉ có thể là cổ đông có sở hữu ít nhất 1 cổ phần và phải là người ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty ngay tại thời điểm thành lập công ty cổ phần.
Do đó, các hạn chế chuyển nhượng đối với cổ đông sáng lập trong vòng 03 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng chỉ áp dụng đối với cổ đông có sở hữu ít nhất 1 cổ phần và phải là người ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty ngay tại thời điểm thành lập công ty cổ phần
Lưu ý đặc biệt:
-
- Đối với công ty cổ phần thành lập trước ngày 01/07/2015 (ngày có hiệu lực Luật Doanh nghiệp 2014) nếu còn danh sách cổ đông sáng lập còn ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, dù công ty đã thành lập quá 03 năm tính đến ngày chuyển nhượng cổ phần thì khi có sự thay đổi chuyển nhượng vốn vẫn phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh, đối với các cổ đông phổ thông của các công ty này sẽ không cần thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh mà doanh nghiệp có thể thực hiện ngay trong nội bộ doanh nghiệp tại thời điểm thay đổi.
-
-
- Đối với công ty cổ phần thành lập từ ngày 01/07/2015 (ngày có hiệu lực Luật Doanh nghiệp 2014) nếu vừa còn cổ đông sáng lập vừa có cổ đông phổ thông thì khi chuyển nhượng vốn của cổ đông phổ thông sẽ không cần thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh mà doanh nghiệp có thể thực hiện ngay trong nội bộ doanh nghiệp tại thời điểm thay đổi (dù công ty mới thành lập chưa quá 03 năm tính đến ngày có sự thay đổi).
Trên đây là một số thông tin liên quan đến vấn đề bạn thắc mắc. Rất cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chuyên viên tư vấn Hoàng Thị Quỳnh Trang
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP - ĐẦU TƯ | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.