Hướng dẫn cách ủy quyền đúng luật

Chủ đề   RSS   
  • #539113 22/02/2020

    pigreen
    Top 500
    Lớp 1

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:08/02/2020
    Tổng số bài viết (145)
    Số điểm: 2679
    Cảm ơn: 7
    Được cảm ơn 229 lần


    Hướng dẫn cách ủy quyền đúng luật

    Ủy quyền được hiểu theo nghĩa đen là việc một người nhờ một người khác thay mặt mình giải quyết công việc; do đó, hiện nay ủy quyền được thực hiện khá phổ biến khi người ủy quyền không thể trực tiếp thực hiện. Vậy ủy quyền như thế nào cho đúng luật?

    Việc ủy quyền được thực hiện khá nhiều trên các lĩnh vực; đặc biệt là các giao dịch dân sự. Để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên; đồng thời để việc ủy quyền đúng quy định pháp luật thì cần đảm bảo những yếu tố sau:

    1. Chủ thể trong quan hệ pháp luật về ủy quyền

    Ủy quyền được xem là một giao dịch dân sự, chủ thể trong ủy quyền được quy định tại khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

    "1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

    a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

    b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

    ..."

    2. Hình thức ủy quyền

    Để việc ủy quyền được đúng luật thì nên xác lập bằng văn bản thông qua Giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền. Hiện tại Bộ luật dân sự 2015 chưa có quy định về giấy ủy quyền; nhưng khái niệm giấy ủy quyền được đề cập khá nhiều trong các văn bản pháp luật khác (ví dụ Điều 107 Luật sở hữu trí tuệ 2005).

    Bộ luật dân sự 2015 quy định về Hợp đồng ủy quyền tại Điều 562 như sau: "Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định."

    3. Thời hạn ủy quyền

    Căn cứ quy định tại Điều 140, Điều 563 Bộ luật dân sự 2015, thời hạn ủy quyền do các bên tự thỏa thuận trong văn bản ủy quyền. Trường hợp không có thỏa thuận thì thời hạn ủy quyền là 01 năm kể từ thời điểm xác lập hợp đồng ủy quyền.

    4. Thời điểm chấm dứt quan hệ ủy quyền 

    Thời điểm chấm dứt quan hệ ủy quyền sẽ căn cứ vào hợp đồng ủy quyền, cụ thể sẽ chấm dứt khi:

    - Thời hạn ủy quyền theo thỏa thuận đã hết

    - Bên được ủy quyền đã thực hiện xong công việc được giao

    - Một trong hai bên chết (khoản 3 Điều 422 Bộ luật dân sự 2015)

    - Một trong hai bên đơn phương chấm dứt hợp đồng (Điều 569 Bộ luật dân sự 2015)

    5. Đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên

    Theo quy định tại Điều 565, Điều 566 Bộ luật dân sự 2015:

    - Bên được ủy quyền có quyền yêu cầu được yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền và đặc biệt là được thanh toán thù lao. Bên cạnh đó, bên được ủy quyền phải hoàn thành công việc được ủy quyền, giữ bí mật thông tin và có thể bị bồi thường nếu để xảy ra thiệt hại.

    - Bên ủy quyền có quyền yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền; được ủy quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền; được bồi thường thiệt hại, nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ 

    6. Được quyền ủy quyền lại

    Bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác thực hiện công việc ủy quyền nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 564 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể:

    - Có sự đồng ý của bên ủy quyền;

    - Do sự kiện bất khả kháng nếu không áp dụng ủy quyền lại thì mục đích xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vì lợi ích của người ủy quyền không thể thực hiện được.

    7. Hợp đồng ủy quyền vô hiệu khi nào?

    Theo quy định từ Điều 123 đến Điều 128 và Điều 408 Bộ luật dân sự 2015, hợp đồng ủy quyền sẽ vô hiệu trong các trường hợp sau:

    - Vi phạm điều cấm, trái với đạo đức xã hội

    - Vô hiệu do giả tạo

    - Do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện

    - Vô hiệu do bị nhầm lẫn

    - Vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

    - Do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình

    - Vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

    - Vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được

    >>>Tải mẫu Hợp đồng ủy quyền TẠI ĐÂY

     
    10714 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận