Hiện nay, một trong những hình thức góp vốn phổ biến trong dân là hụi. Điều 471 Bộ luật dân sự năm 2015, có quy định: “Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là hụi) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên”. Tùy theo từng địa phương, phong tục tập quán mà hình thức, tên gọi của hụi có sự khác nhau. Nhưng tựu trung lại có thể thấy, hụi ra đời với ý nghĩa nhân văn là hình thức tương trợ, giúp đỡ nhau giữa các thành viên.
Một dây hụi thường dao động quanh mức 20 thành viên. Hụi có thể mở theo năm, mùa (đông xuân, hè thu ở nông thôn), theo tháng,… nói chung hụi rất đa dạng dễ chơi, là một hình thức tích lũy tài sản được nhiều người lựa chọn.
Tuy nhiên, thời gian qua không ít đường dây vỡ hụi lên đến tiền tỷ khiến không ít người giật mình, kẻ chua xót, sống dỡ chết dỡ,… Từ mấy vụ vỡ hụi mới thấy giao dịch này còn tồn tại nhiều hạn chế. Đa phần các “tay em” (hụi viên) quá tin tưởng “đầu thảo” (chủ hụi), không cầm giữ tài sản bảo đảm, không có giấy tờ, chứng từ xác nhận. Một phần vì người chơi ham lợi mà sa vào các đường dây “hụi ma” (VD: hụi 1 triệu đồng, mà bỏ đến 700 – 800 ngàn đồng để hốt, người chơi thấy lợi mà tham gia) thực chất là đường dây hụi ảo, không có người chơi thực, núp bóng để lừa đảo. Đến khi chủ hụi ôm tiền bỏ trốn, các “tay em” lâm vào cảnh nợ nầng. Việc cơ quan vào cuộc giải quyết cũng đã là chuyện đã rồi, số tiền khó thu hồi. Do vậy thiết nghĩ, “tay em” cần cảnh giác khi chơi hụi, tránh tiền mất còn mang thêm bệnh.
Pháp luật vô hình, tuy không thể thấy nhưng phải biết!