Di sản văn hóa phi vật thể là gì? Di sản văn hóa phi vật thể được bảo vệ như thế nào? Hoạt động hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các Danh sách của UNESCO được quy định ra sao?
Di sản văn hóa phi vật thể là gì?
Theo khoản 1, 2 Điều 4 Luật di sản văn hóa 2001, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009 thì di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác.
Di sản văn hóa phi vật thể được bảo vệ như thế nào?
Căn cứ Điều 17, Điều 18 Luật di sản văn hóa 2001, được sửa đổi bởi Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009 quy định Nhà nước bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thông qua các biện pháp sau đây:
- Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, phân loại di sản văn hóa phi vật thể.
- Tổ chức truyền dạy, phổ biến, xuất bản, trình diễn và phục dựng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.
- Khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể.
- Hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể.
- Đầu tư kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, ngăn ngừa nguy cơ làm mai một, thất truyền di sản văn hóa phi vật thể.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương và lựa chọn, lập hồ sơ khoa học để đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và cấp Giấy chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong trường hợp di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mà sau đó có cơ sở xác định không đủ tiêu chuẩn thì Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa ra khỏi Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Quy định về hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
Ngày 16/04/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 39/2024/NĐ-CP quy định về biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo Điều 16 Nghị định 39/2024/NĐ-CP quy định hoạt động hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia, bao gồm:
- Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực.
- Tổ chức liên hoan, giao lưu, triển lãm, trưng bày và giới thiệu về di sản.
- Đẩy mạnh việc tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu, tư liệu hóa, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
- Xây dựng các báo cáo, hồ sơ đa quốc gia.
- Tiếp nhận, kêu gọi hỗ trợ quốc tế.
- Phổ biến Công ước 2003.
- Tham gia các kỳ họp, ứng cử, tham gia vào Ủy ban Liên Chính phủ của Công ước 2003 và các hoạt động hợp tác quốc tế liên quan khác.
Theo đó, quy định hoạt động hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các Danh sách của UNESCO và Danh mục của quốc gia thực hiện theo Điều 16 Nghị định 39/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/6/2024.