Trả lời:
Chào anh, với sự việc mà anh đã trình bày, chúng tôi xin được góp ý với anh như sau:
Mục đích của anh là xem xét trách nhiệm của công ty trong việc nợ lương và cách thức để có thể lấy lại tiền lương nên anh cần quan tâm đến một số vấn đề pháp lý sau đây:
- Nguyên tắc trả lương
- Trách nhiệm của công ty khi vi phạm quy định về tiền lương
- Biện pháp giải quyết khi có vi phạm xảy ra
1. Nguyên tắc trả lương
Hiện nay theo quy định của BLLĐ 2012 thì việc trả lương được thực hiện theo nguyên tắc tại Điều 96 Bộ luật lao động:
- Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
- Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.
Theo quy định trên thì việc công ty cổ phần vận tải biển Hoàng Anh không trả lương đúng thời hạn và nợ lương đã vi phạm quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của công ty khi vi phạm quy định về tiền lương
Hành vi vi phạm này của công ty vận tải Hoàng Anh sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP như sau:
"Điều 13. Vi phạm quy định về tiền lương
[...] 3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật Lao động; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động; khấu trừ tiền lương của người lao động trái quy định tại Điều 101 của Bộ luật Lao động; trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
4. Phạt tiền người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:
a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
5. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc trả đủ tiền lương cho người lao động theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này;
b) Buộc trả khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này”.
3. Biện pháp giải quyết
Trong trường hợp này, theo quy định tại Điều 201, Bộ luật Lao động năm 2012, chúng tôi xin gợi ý cho anh hai hướng giải quyết như sau:
Thứ nhất, anh có thể khiếu nại trực tiếp lên người sử dụng lao động hoặc thanh tra lao động để được giải quyết.
Thứ hai, nếu khiếu nại không thu được kết quả anh có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở để đòi quyền lợi theo thủ tục tố tụng dân sự.
Khi khởi kiện ra Tòa án, anh cần lưu ý về hồ sơ khởi kiện tại Tòa án, thời hiệu khởi kiện
Trên đây là ý kiến góp ý sơ bộ của chúng tôi về những thắc mắc của anh. Để có thể có được câu trả lời chính xác hơn, bạn nên liên hệ trực tiếp với luật sư để cung cấp thêm những thông tin cụ thể, cũng như trao đổi để tìm ra phương án giải quyết tốt nhất.